Ô nhiễm bụi mịn tại Thủ đô Hà Nội đang dần được cải thiện
11/02/2019 08:57:44
Những ngày vừa qua, trên nhiều phương tiện truyền thông đưa tin về ô nhiễm môi trường không khí của Thủ đô Hà Nội

(TN&MT) - Những ngày vừa qua, trên nhiều phương tiện truyền thông đưa tin về ô nhiễm môi trường không khí của Thủ đô Hà Nội ở mức nguy hiểm. Tuy nhiên, Tổng cục môi trường và một số ý kiến chuyên gia cho rằng, tình trạng ô nhiễm bụi mịn tại Thủ đô Hà Nội đang dần được cải thiện. Giá trị AQI trung bình giờ và ngày đều ở ngưỡng trung bình. Người dân cần hiểu và đánh giá về ô nhiễm môi trường không khí xung quanh một cách toàn diện.

Theo ý kiến của các chuyên gia môi trường, xét về tính chất vật lý và hóa học thì chất ô nhiễm không khí được phân thành 2 loại: Loại hạt (bụi lơ lửng (TSP, PM10), bụi mịn (PM2.5, PM1) và loại khí (SO2, NOx, CO và VOC). Nếu xét riêng về nồng độ các chất khí ô nhiễm (SO2, NOx, CO và VOC), kết quả quan trắc từ nhiều năm qua đến nay cho thấy, môi trường không khí Hà Nội nói riêng và các thành phố khác của Việt Nam chưa bị ô nhiễm và tốt hơn nhiều thành phố lớn ở các nước xung quanh. Nồng độ các chất khí nêu trên trong không khí xung quanh hầu hết đều ở ngưỡng thấp, thậm chí thấp hơn rất nhiều giới hạn cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT.

Tuy nhiên, nếu xét về nồng độ bụi trong không khí của Thủ đô Hà Nội và một số thành phố của nước ta đã bị ô nhiễm. Tại Hà Nội và một số tỉnh thành miền Bắc, ô nhiễm bụi vào thời gian mùa đông tăng cao hơn những mùa khác trong năm. Đây cũng là hiện tượng thường gặp trong nhiều năm qua và có tính quy luật, ô nhiễm bụi mịn tăng cao vào thời gian tháng 12 và tháng 1, khi thời tiết hanh khô, độ ẩm trong không khí thấp, đặc biệt là thời điểm trước những đợt có không khí lạnh từ phía Bắc tràn về.

Quy luật này cũng đã thể hiện khá rõ trong khoảng 10 ngày vừa qua (từ 18/1 đến 27/1/2109), nồng độ bụi trong môi trường không khí của thủ đô đã có những biến động đáng kể. Qua theo dõi số liệu của trạm quan trắc của Tổng cục Môi trường đặt tại đường Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên) và trạm quan trắc của Đại sứ quán Mỹ đặt tại số 8 Láng Hạ (quận Ba Đình) trong những ngày nêu trên cho thấy, nồng độ bụi PM2.5 trung bình giờ trong một số ngày đã vượt giới hạn cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT. Trong đó, các ngày 19-20/01 và 23-26/01, nồng độ bụi mịn (PM2.5) cao hơn giới hạn quy chuẩn cho phép.

         Theo dõi diễn biến nồng độ bụi PM2.5 biến động theo các giờ trong ngày cho thấy, nồng độ  bụi PM2.5 trung bình giờ giao động trong khoảngtừ 40 – 80 µg/m3, tuy nhiên, có những khoảng thời gian tăng cao hơn, đặc biệt, trong khoảng thời gian từ 23h đêm đến 5h sáng các ngày 19 và 20/1 và từ ngày 23/01đến ngày 27/01. Xem xét kết hợp với các yếu tố khí hậu, thời tiết trong những ngày này, nền nhiệt độ trong không khí khá cao, đây cũng là những thời điểm trước khi có không khí lạnh từ phía Bắc tràn về. Điều này có thể lý giải, do nền nhiệt cao cộng với sự di chuyển, biến động của các khối khí tầng trên đã nén khí tầng thấp, khiến cho lượng bụi mịn không thể khuếch tán, dẫn đến ô nhiễm bụi tăng cao.

          Kết quả tính toán giá trị AQI trung bình giờ tại đường Nguyễn Văn Cừ và Láng Hạ cho thấy, các ngày 19, 20, 21 tháng 01 và ngày 23-27/01, môi trường không khí có nhiều giờ trong ngày ở mức xấu do ô nhiễm bụi mịn, có khả năng ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của nhóm người nhạy cảm như trẻ em, người già, người mắc bệnh về hô hấp nếu hoạt động ở ngoài trời. Tuy nhiên, do ô nhiễm chủ yếu tập trung về đêm và sáng sớm, là thời gian đa phần người dân đang nghỉ ngơi nên việc tác động tới sức khỏe cũng giảm bớt phần nào.

Biểu đồ diễn biến giá trị AQI giờ tại Hà Nội (từ ngày 18 – 27/01/2019)

Theo số liệu công bố của 10 trạm quan trắc không khí tự động (do Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội quản lý) đặt tại các khu vực khác nhau trên địa bàn thủ đô cũng cho thấy xu hướng diễn biến tương tự. Tuy nhiên, mức độ ô nhiễm ở các khu vực là khác nhau do ngoài việc chịu tác động bởi yếu tố thời tiết, còn là các nguyên nhân cục bộ khác. Điển hình như khu vực đường Phạm Văn Đồng, đường Trung Hòa là những khu vực chịu tác động bởi các hoạt động giao thông, xây dựng... nên mức độ ô nhiễm bụi cũng cao hơn các khu vực khác.

Từ ngày 27/1 đến nay, tình trạng ô nhiễm bụi mịn tại Thủ đô Hà Nội đang dần được cải thiện. Giá trị AQI trung bình giờ và ngày đều ở ngưỡng trung bình. ​Với xu hướng diễn biến thời tiết trong những ngày tiếp theo, cộng với lưu lượng phương tiện tham gia giao thông có thể tăng cao do nhu cầu đi lại, mua sắm cho ngày tết, dự báo chất lượng không khí tại thủ đô sẽ duy trì ở mức trung bình hoặc một số thời điểm sẽ xuống mức kém. Khuyến nghị, những người thuộc nhóm nhạy cảm như trẻ nhỏ, người cao tuổi, người mắc các bệnh hô hấp vẫn nên hạn chế ở ngoài trời. Nhất là vào chiều tối và sáng sớm, khi trời nhiều mây, có sương mù giăng phủ, khói bụi bị giữ lại, quanh quẩn trong lớp không khí gần mặt đất, làm ảnh hưởng tới sức khỏe.

PV

Liên kết