Lấy ý kiến hoàn thiện hướng dẫn kỹ thuật về lập kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt
08/04/2022 16:34:00
Ngày 31/3, Bộ Tài nguyên và Môi trường có Công văn số 1626/BTNMT-TCMT gửi Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nhằm lấy ý kiến hoàn thiện hướng dẫn kỹ thuật về lập kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.

Văn bản nêu rõ, thực hiện Quyết định số 558/QĐ-BTNMT ngày 23 tháng 3 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt Danh mục và phân công đơn vị xây dựng văn bản pháp luật do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì; phân công đơn vị phối hợp xây dựng văn bản pháp luật do các Bộ, ngành, địa phương chủ trì và nhiệm vụ để triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng dự thảo hướng dẫn kỹ thuật về lập kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt nhằm hướng dẫn về chuyên môn cho các cơ quan chủ trì (theo trách nhiệm được phân công tại Điều 8 Luật Bảo vệ môi trường) trong quá trình xây dựng và trình ban hành kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt.

Theo đó, dự thảo Khung hướng dẫn xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt nêu rõ Quy trình lập kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt, hướng dẫn chi tiết các bước lập kế hoạch.

Cụ thể, Quy trình lập kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt gồm 8 bước như sau:

- Bước 1: Đánh giá diễn biến chất lượng nước, xác định các mục tiêu chất lượng nước.

- Bước 2: Điều tra, đánh giá nguồn thải vào môi trường nước.

- Bước 3: Đánh giá khả năng chịu tải của môi trường nước mặt (hoặc tổng hợp kết quả đánh giá từ các nhiệm vụ, dự án khác đã thực hiện); xác định hạn ngạch xả nước thải vào từng đoạn sông.

- Bước 4: Xác định các đoạn sông không còn khả năng chịu tải, các đoạn sông còn khả năng chịu tải nhưng cần giảm tải lượng phát thải để đảm bảo mục tiêu chất lượng nước đã đề ra ở Bước 1, từ đó đề xuất mục tiêu, lộ trình giảm xả thải vào môi trường nước, phân vùng xả thải.

- Bước 5: Xác định, đề xuất các biện pháp khác nhằm thực hiện mục tiêu chất lượng nước đã đề ra (bao gồm các nhiệm vụ, dự án ưu tiên).

- Bước 6: Đề xuất cơ cấu tổ chức thực hiện.

- Bước 7: Tổng hợp, xây dựng dự thảo kế hoạch.

- Bước 8: Tham vấn và hoàn thiện dự thảo kế hoạch.

Việc đánh giá diễn biến chất lượng nước, xác định các mục tiêu chất lượng nước nhằm đánh giá, dự báo được xu hướng thay đổi chất lượng môi trường nước mặt; xác định được mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch làm cơ sở để xác định vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt, hành lang bảo vệ nguồn nước mặt; xác định khu vực sinh thủy. Việc này thực hiện thông qua phương pháp, cách thức thực hiện gồm: Đánh giá hiện trạng, diễn biến chất lượng môi trường nước mặt đối với sông, hồ giai đoạn tối thiểu 03 năm gần nhất; Tổng hợp hiện trạng các vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt, hành lang bảo vệ nguồn nước mặt, khu vực sinh thủy đã được xác định theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước; Dự báo xu hướng diễn biến chất lượng nước mặt, đề xuất các mục tiêu, chỉ tiêu về chất lượng nước mặt cần đạt được cho giai đoạn 05 năm đối với từng đoạn sông, hồ căn cứ nhu cầu thực tiễn về phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường.

Mục tiêu của việc điều tra, đánh giá nguồn thải nhằm xác định thực trạng phân bố và tải lượng của các nguồn ô nhiễm điểm và nguồn ô nhiễm diện phát sinh chất ô nhiễm môi trường nước trong vùng tác động; nguy cơ ô nhiễm nước mặt xuyên biên giới. Phương pháp điều tra, đánh giá nguồn thải được thực hiện riêng biệt cho từng đoạn sông, hồ là cơ sở để tổng hợp đánh giá các nguồn ô nhiễm điểm và nguồn ô nhiễm diện đến chất lượng nước của lưu vực hoặc tiểu lưu vực. Kết quả điều tra, đánh giá nguồn thải được thể hiện bằng các kết quả kiểm kê các nguồn thải điểm và các nguồn thải diện.

Đánh giá khả năng chịu tải, xác định hạn ngạch xả nước thải vào từng đoạn sông nhằm Xây dựng lộ trình đánh giá khả năng chịu tải của từng đoạn sông hồ và từ đó, xác định hạn ngạch xả nước thải vào từng đoạn sông trên cơ sở rà soát các đoạn sông, hồ chưa được đánh giá khả năng chịu tải hoặc đã đánh giá nhưng có sự thay đổi lớn về chất lượng một số thông số chất lượng nước, …

Để có cơ sở hoàn thiện, đảm bảo khả năng áp dụng sau khi được ban hành, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nghiên cứu, góp ý đối với nội dung dự thảo hướng dẫn kỹ thuật về lập kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt gửi kèm theo Công văn số 1626/BTNMT-TCMT.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung gửi văn bản góp ý về Bộ Tài nguyên và Môi trường (thông qua Tổng cục Môi trường) trước ngày 22 tháng 4 năm 2022./.

(VEA)

Liên kết