Báo cáo chuyên đề về môi trường quốc gia năm 2017 Chuyên đề: Quản lý chất thải
05/01/2019 16:32:00
Thực thi Luật Bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường lập báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 5 năm một lần. Đồng thời, hằng năm lập Báo cáo chuyên đề về môi trường quốc gia.

Năm 2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Báo cáo chuyên đề về môi trường quốc gia với chủ đề “Quản lý chất thải” nhằm đánh giá tổng thể và toàn diện về công tác quản lý chất thải ở Việt Nam trong giai đoạn 2013 - 2017. Báo cáo chuyên đề về môi trường quốc gia năm 2017 – chủ đề Quản lý chất thải được xây dựng gồm 05 chương, tập trung vào các nội dung chính, bao gồm: tổng quan về tình hình phát triển kinh tế xã hội và phát thải chất thải ở Việt Nam; hiện trạng các nguồn phát sinh, tình hình thu gom, xử lý, kiểm soát chất thải theo từng loại hình (chất thải rắn, nước thải, khí thải), đánh giá các tác động của mỗi loại hình chất thải đến môi trường và cộng đồng; đánh giá tổng quan về công tác quản lý chất thải và đề xuất giải pháp.

  Môi trường nước ta đang chịu nhiều áp lực lớn từ hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trong nước, theo dòng thương mại quốc tế và tác động xuyên biên giới. Việc đưa một lượng lớn chất thải (chất thải rắn, nước thải, khí thải) vào môi trường nhưng vấn đề kiểm soát, quản lý chất thải còn nhiều hạn chế dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục xảy ra ở nhiều nơi, nhiều khu vực đã bị ô nhiễm khá nghiêm trọng.

  Khối lượng chất thải rắn phát sinh đã tăng nhanh chóng về số lượng với thành phần ngày càng phức tạp. Bên cạnh đó, hoạt động nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất hay nhập khẩu máy móc, thiết bị phương tiện đã qua sử dụng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với môi trường. Công tác quản lý, xử lý chất thải rắn ở nước ta thời gian qua chưa được áp dụng theo phương thức quản lý tổng hợp, các giải pháp giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng từ chất thải còn chưa thực sự được chú trọng. Điều này,dẫn đến khối lượng chất thải rắn phải chôn lấp cao, tại một số khu vực, chất thải chôn lấp ở các bãi chôn lấp tạm, lộ thiên, đã và đang là nguồn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, hoạt động sản xuất của con người.

  Trong những năm qua, công tác quản lý nước thải đang nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng. Các nguồn phát sinh nước thải ngày càng đa dạng với lượng nước thải phát sinh ngày càng nhiều đang đặt ra những thách thức to lớn cho công tác quản lý nước thải. Tùy theo khu vực, vùng miền mà tỷ lệ nước thải phát sinh từ các nguồn là khác nhau. Mặc dù, việc thu gom, xử lý nước thải đã được quan tâm thực hiện và bước đầu đạt được những kết quả nhất định song vẫn còn nhiều khó khăn để quản lý hiệu quả các loại hình nước thải, kéo theo đó là những ảnh hưởng tới cảnh quan môi trường và các hoạt động phát triển kinh tế xã hội do ô nhiễm nước thải gây ra.

  Đối với loại hình khí thải, các nguồn phát sinh chủ yếu ở nước ta gồm: giao thông, công nghiệp, xây dựng và dân sinh, nông nghiệp và làng nghề, chôn lấp và xử lý chất thải. Việc kiểm soát và xử lý bụi, khí thải đã được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định số 38/2015/NĐ-CP. Tuy nhiên việc thực hiện các quy định trong công tác kiểm soát, xử lý bụi và khí thải hiện nay còn nhiều khó khăn. Cho đến nay, vẫn chưa giám sát, kiểm soát khí thải giao thông đối với các phương tiện giao thông đã đăng ký từ nhiều năm trước; chưa kiểm soát được khí thải từ các làng nghề, cụm công nghiệp... vì vậy, ô nhiễm môi trường từ các hoạt động này vẫn đang tiếp tục diễn ra, vẫn còn những khiếu kiện của cộng đồng do tác động của ô nhiễm tới sức khỏe và đời sống sinh hoạt người dân.

  Quản lý chất thải luôn là một trong những nội dung trọng tâm trong công tác quản lý môi trường và nhận được rất nhiều sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Từ việc xây dựng bổ sung, điều chỉnh hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, kiện toàn tổ chức quản lý, cho đến quy hoạch các khu xử lý chất thải tập trung, triển khai các hoạt động thanh tra, giám sát, huy động sự tham gia của các tổ chức cá nhân… Trong giai đoạn vừa qua, công tác quản lý, kiểm soát, xử lý chất thải đã đạt được những kết quá tích cực, tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải tiếp tục tăng hàng năm, nhiều công nghệ xử lý chất thải mới, hiện đại đã được đầu tư áp dụng, hoạt động quan trắc, giám sát các nguồn thải lớn đã và đang được đầu tư và tiếp tục tăng cường… Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế từ nguồn lực và cả ý thức của các doanh nghiệp, cộng đồng.

  Để từng bước giải quyết những tồn tại, hạn chế đối với công tác quản lý chất thải, Báo cáo đã đề xuất một số giải pháp chính, bao gồm: tập trung vào việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách và tăng cường hiệu lực tổ chức giám sát; tăng cường các hoạt động kiểm soát các nguồn thải trọng điểm, hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử phạt vi phạm về bảo vệ môi trường phù hợp với điều kiện thực tế; đẩy mạnh triển khai quy hoạch và lựa chọn các công nghệ xử lý phù hợp, tăng cường đa dạng hóa nguồn đầu tư tài chính. Cùng với đó là các hoạt động nâng cao nhận thức, huy động sự tham gia của cộng đồng, tiếp tục khuyến khích các hoạt động phân loại chất thải rắn tại nguồn. Báo cáo cũng đã đưa ra các giải pháp cụ thể để quản lý và kiểm soát an toàn, hiệu quả đối với từng loại hình chất thải rắn, nước thải, khí thải và chất thải nguy hại.

  Trên cơ sở các phân tích, đánh giá trong Báo cáo chuyên đề về môi trường quốc gia năm 2017, đồng thời, trên cơ sở những chỉ đạo, định hướng của Quốc hội và Chính phủ, một số kiến nghị đã được đưa ra trong Báo cáo:

  Kiến nghị đối với Quốc hội và Chính phủ:

1. Rà soát, điều chỉnh định hướng, chiến lược bảo vệ môi trường cho phù hợp với tình hình thực tế giai đoạn từ nay đến năm 2025 và sau năm 2025.

          2. Tiếp tục kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về chất thải từ trung ương đến điạ phương, làm rõ trách nhiệm, tránh chồng chéo và bổ sung các quy định, yêu cầu về cơ chế phối hợp.

3. Ban hành các cơ chế thích hợp để đẩy mạnh chính sách phát triển công nghệ (bao gồm công nghệ sản xuất sản phẩm và công nghệ xử lý chất thải) theo hướng giảm thiểu lượng chất thải phát sinh, tăng cường tỷ lệ tái chế, tái sử dụng đối với từng loại chất thải đặc thù, phù hợp với điều kiện Việt Nam.

4. Tăng cường và đa dạng hóa nguồn đầu tư cho quản lý và xử lý chất thải; duy trì tính bền vững của các nguồn đầu tư để đảm bảo việc vận hành và duy trì các hệ thống thu gom và xử lý chất thải đã được xây dựng.

          Kiến nghị đối với các Bộ ngành, địa phương

1. Tập trung các nguồn lực để xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện các chương trình, đề án quốc gia nhằm giải quyết các vấn đề bức xúc về chất thải thuộc phạm vi quản lý của Bộ ngành, địa phương, đặc biệt là các chương trình, đề án có tính liên vùng, liên tỉnh.

2. Tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức hệ thống quản lý môi trường về chất thải của từng cấp, ngành, đặc biệt chú ý tới việc phân cấp, phân công trách nhiệm rõ ràng, đồng thời, tăng cường năng lực cho bộ máy quản lý các cấp.

3. Tăng cường thực thi nghiêm túc và hiệu quả pháp luật về bảo vệ môi trường trong thu gom, vận chuyển, xử lý và tái chế chất thải rắn, nước thải; kiểm soát và xử lý khí thải.; chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường của các chủ nguồn thải, xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm pháp luật; áp dụng có hiệu quả các công cụ quản lý môi trường trong quản lý chất thải.

4. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải.

5. Tăng cường đầu tư, huy động và sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn vốn khác nhau trong quản lý chất thải.

6. Phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng cho hoạt động phân loại, thu gom, xử lý, tái chế cho từng loại hình chất thải (chất thải rắn, nước thải). Đẩy mạnh các biện pháp tái chế, tái sử dụng chất thải.

7. Tiếp tục rà soát, xây dựng và ban hành các hướng dẫn chi tiết, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia còn thiếu đối các loại chất thải đặc thù và chất thải nguy hại./.

Bìa báo cáo

Phần đầu

Chương 1

Chương 2

Chương 3

Chương 4

Chương 5

Phần cuối

Hình ảnh

Liên kết