Báo cáo môi trường quốc gia 2013 - Môi trường không khí
07/10/2014 16:13:00
Thực thi Điều 101 Luật Bảo vệ môi trường 2005, hàng năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiến hành xây dựng Báo cáo môi trường quốc gia theo từng chuyên đề.

Năm 2013, Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Báo cáo môi trường quốc gia với chủ đề “Môi trường không khí” nhằm phân tích các vấn đề liên quan đến môi trường không khí của Việt Nam trong giai đoạn 2008 – 2013.

 

Việt Nam là quốc gia có địa hình đa dạng, điều kiện khí hậu và thời tiết thay đổi từ Bắc vào Nam, tỷ lệ che phủ rừng chiếm hơn 40% diện tích lãnh thổ. Các yếu tố tự nhiên này cùng với quá trình phát triển kinh tế, xã hội đã chi phối rất lớn đến chất lượng môi trường không khí. Công nghiệp hóa, đô thị hoá phát triển với quy mô dân số đô thị ngày càng cao, tốc độ gia tăng các phương tiện giao thông cá nhân ngày càng lớn, cùng với phát triển cơ sở hạ tầng, các hoạt động khai thác khoáng sản, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và làng nghề được đẩy mạnh đã tạo những sức ép lớn đối với môi trường nói chung và môi trường không khí nói riêng.

 

Chính vì vậy, việc đánh giá, phân tích nguyên nhân, hiện trạng, tác động và xu hướng các vấn đề có liên quan đến môi trường không khí tại Việt Nam sẽ hỗ trợ cho việc xem xét điều chỉnh, bổ sung các chính sách, kế hoạch và giải pháp nhằm bảo vệ môi trường không khí. Báo cáo được xây dựng trên cơ sở nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội và các khó khăn, thách thức trong giai đoạn hiện nay.

 

Báo cáo Môi trường không khí gồm 6 chương. Chương 1 là những vấn đề liên quan đến điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội ảnh hưởng đến môi trường không khí. Chương 2 phân tích các nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí. Chương 3 tập trung đánh giá hiện trạng, diễn biến chất lượng môi trường không khí trong giai đoạn từ năm 2008 - 2013. Chương 4 nêu lên những tác động tiêu cực của ô nhiễm môi trường không khí đến sức khỏe con người, hệ sinh thái tự nhiên và làm đẩy nhanh biến đổi khí hậu. Trong Chương 5, các vấn đề được tập trung phân tích, đánh giá công tác quản lý môi trường không khí ở Việt Nam hiện nay, những kết quả đạt được, những khó khăn thách thức mà Việt Nam chưa thể giải quyết. Chương 6 đưa ra những định hướng trọng tâm công tác BVMT không khí trong 5 năm tới. Bên cạnh đó, những giải pháp cụ thể cũng được đề xuất, từ việc hoàn thiện các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý môi trường cho đến các giải pháp về công cụ quản lý nhằm đảm bảo thực hiện được mục tiêu đặt ra.

 

Đánh giá về ô nhiễm môi trường không khí tại Việt Nam thì ô nhiễm bụi tiếp tục là vấn đề nổi cộm nhất. So với giai đoạn 2003 – 2007, ô nhiễm bụi chưa được cải thiện. Đối với các chất khí khác như NOx, SO2, CO… hầu hết các giá trị vẫn nằm trong ngưỡng giới hạn cho phép. Ngoại trừ một số khu vực như ven các trục giao thông chính, khu vực sản xuất công nghiệp..., nồng độ các chất này có xu hướng tăng lên. Ô nhiễm tiếng ồn tại các đô thị và khu vực sản xuất cũng là vấn đề tồn tại từ nhiều năm nay chưa được khắc phục. Ngoài ra, ô nhiễm mùi cũng là một trong những vấn đề bức xúc, mặc dù vấn đề này chỉ mang tính chất cục bộ. Trong thời gian gần đây, một số nghiên cứu đã cho thấy, Việt Nam có nhiều nguy cơ bị tác động bởi một số nguồn ô nhiễm không khí xuyên biên giới. Một số vấn đề ô nhiễm không khí xuyên biên giới đang nhận được sự quan tâm của nhiều quốc gia đó là ô nhiễm bụi mịn, thủy ngân, lắng đọng axit và khói mù quang hóa do nguồn phát thải từ các nước lân cận.

 

Theo đánh giá của Bộ Y tế, trong những năm gần đây, tỷ lệ mắc các bệnh về đường hô hấp được đánh giá là cao nhất và một trong những nguyên nhân là do ô nhiễm không khí. Theo thống kê, tỷ lệ người dân mắc các bệnh hô hấp tại các làng nghề, khu vực gần các khu sản xuất công nghiệp, nút giao thông… cao hơn các khu vực khác. Ô nhiễm không khí còn gây những thiệt hại không nhỏ về kinh tế, ảnh hưởng xấu tới các hệ sinh thái tự nhiên và là một trong những nguyên nhân sâu xa của vấn đề biến đổi khí hậu, gia tăng nhiệt độ bề mặt trái đất, nước biển dâng, gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan và thiên tai ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

 

Trong những năm qua, công tác bảo vệ môi trường không khí tiếp tục được đẩy mạnh và thu được những kết quả khá tốt. Hành lang pháp lý về bảo vệ môi trường không khí đã và đang tiếp tục được hoàn thiện. Hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về môi trường không khí cũng đã đi vào hoạt động ổn định. Các ngành, lĩnh vực cũng đã có những hoạt động cụ thể, đem lại những kết quả tích cực trong kiểm soát và bảo vệ môi trường không khí. Đó là việc tăng cường quản lý hoạt động giao thông nhằm kiểm soát và giảm thiểu các chất ô nhiễm phát thải vào không khí; từng bước kiểm soát và khắc phục ô nhiễm từ hoạt động làng nghề, sản xuất công nghiệp; tiếp tục duy trì và đẩy mạnh hệ thống quan trắc không khí tự động. Cũng trong giai đoạn này, việc triển khai nhóm các giải pháp xanh (chi trả dịch vụ môi trường rừng, tăng trưởng xanh và phát triển phát thải các bon thấp) cũng đã góp phần giảm thiểu lượng khí thải hiệu ứng nhà kính, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

 

Tuy nhiên, vẫn còn những bất cập trong công tác quản lý đã tồn tại từ nhiều năm nay nhưng chưa được giải quyết triệt để: vẫn thiếu các quy định đặc thù cho môi trường không khí; tính hiệu quả, hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật chưa cao và thiếu tính gắn kết. Đặc biệt, chưa thực hiện được việc kiểm soát khí thải tại nguồn, cùng với đó là ý thức tuân thủ các quy định về BVMT của các chủ nguồn thải còn kém. Các hạn chế này cũng là nguyên nhân khiến cho tình trạng ô nhiễm môi trường không khí chưa có nhiều cải thiện trong thời gian qua. Chính vì vậy, các cấp quản lý cần xem xét và có sự quan tâm đúng mức để có những giải pháp khắc phục hiệu quả những hạn chế nêu trên trong thời gian tới.

 

Từ các kết quả và nhận định của Báo cáo môi trường quốc gia 2013 – Môi trường không khí, một số kiến nghị đã được đưa ra:

 

Kiến nghị đối với Quốc hội và Chính phủ

 

1. Rà soát, sửa đổi, ban hành bổ sung các văn bản chính sách, pháp luật đặc thù về môi trường không khí; xây dựng Pháp lệnh về không khí sạch; Kế hoạch quốc gia quản lý chất lượng không khí…

2. Hoàn thiện tổ chức, phân công chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý môi trường không khí từ trung ương đến địa phương. Theo đó, khẳng định vai trò của Bộ Tài nguyên và Môi trường thống nhất quản lý nhà nước về môi trường không khí

3. Xây dựng các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, vấn đề xã hội hóa và sự tham gia của cộng đồng dân cư, trong các quá trình triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường không khí.

 

Kiến nghị đối với các Bộ ngành và địa phương

 

1. Xây dựng, trình Chính phủ và tổ chức thực hiện đúng tiến độ và đạt hiệu quả các chương trình, đề án quốc gia nhằm giải quyết các vấn đề bức xúc về môi trường không khí thuộc phạm vi quản lý của Bộ ngành, địa phương.

2. Sớm xây dựng và triển khai Kế hoạch quốc gia quản lý chất lượng không khí và Kế hoạch quản lý chất lượng không khí cho từng địa phương.

3. Xây dựng các chương trình, kế hoạch và triển khai giải quyết hiệu quả vấn đề ô nhiễm bụi tại các đô thị.

4. Đẩy mạnh hoạt động kiểm kê nguồn phát thải khí, quan trắc, kiểm soát môi trường không khí đô thị.

5. Tăng cường giám sát nhằm kiểm soát hiệu quả các nguồn phát thải khí. Triển khai giám sát ô nhiễm không khí xuyên biên giới.

6. Tăng cường nguồn lực cho công tác giám sát các chủ nguồn thải khí, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường không khí.

7. Tăng cường đẩy mạnh các giải pháp xanh nhằm giảm thiểu lượng khí thải hiệu ứng nhà kính, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

 

Báo cáo được cập nhật các số liệu và thông tin có liên quan đến hết tháng 12 năm 2013 và đều được cung cấp chính thức từ các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm.

 

Báo cáo sẽ là tài liệu rất hữu ích đối với những nhà quản lý, hoạch định chính sách, các nhà khoa học, nghiên cứu cũng như cho tất cả những ai quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường ở Việt Nam.

 

Tải về nội dung Báo cáo:

BìaMục lụcChương 1, Chương 2, Chương 3Chương 4Chương 5_1Chương 5_2Chương 5_3Chương 6Kết luận và Kiến nghị

Trung tâm Quan trắc môi trường

Liên kết