Chương 1 là những đặc trưng của khu vực nông thôn, các lĩnh vực sản xuất chính và quá trình đổi mới ở nông thôn. Chương 2 phân tích các sức ép đối với môi trường nông thôn. Chương 3 tập trung đánh giá hiện trạng môi trường nông thôn trong giai đoạn từ năm 2010 - 2014. Chương 4 nêu lên những tác động tiêu cực của sự suy giảm chất lượng và ô nhiễm môi trường ở nông thôn đến sức khỏe người dân, hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, cảnh quan sinh thái và dẫn đến xung đột môi trường. Trong Chương 5, vấn đề được tập trung phân tích, đánh giá là những kết quả đã đạt được, những tồn tại, bất cập trong công tác quản lý và bảo vệ môi trường nông thôn cũng như kết quả triển khai tiêu chí môi trường thuộc Chương trình nông thôn mới. Chương 6 đưa ra nhận định về một số vấn đề bức xúc về môi trường nông thôn và đề xuất các giải pháp chung về chính sách, pháp luật, kiện toàn bộ máy thực thi, huy động tài chính, tăng cường kiểm tra, giám sát cũng như các giải pháp ưu tiên để giải quyết các vấn đề bức xúc, báo cáo cũng đưa ra những giải pháp riêng đối với từng vùng miền trong định hướng quản lý môi trường nông thôn.
Đánh giá về hiện trạng môi trường nông thôn nói chung, chất lượng các thành phần môi trường vẫn còn khá tốt với hầu hết giá trị của các thông số nằm trong giới hạn quy chuẩn cho phép. Tuy nhiên, ô nhiễm cục bộ môi trường không khí, nước mặt, nước dưới đất, môi trường đất đã xuất hiện tại một số nơi. Đối với môi trường không khí, đáng chú ý nhất là vấn đề ô nhiễm bụi. Bên cạnh đó, ô nhiễm do khí thải NH3, SO2, NO2 và ô nhiễm mùi cũng đã được ghi nhận tại một số khu sản xuất công nghiệp, làng nghề. Đối với môi trường nước mặt, vấn đề phổ biến là ô nhiễm hữu cơ, chất dinh dưỡng và vi sinh. Đối với nước dưới đất, ô nhiễm cục bộ vi sinh, kim loại nặng và ô nhiễm chất hữu cơ cũng đã được ghi nhận. Đối với môi trường đất, quá trình thoái hóa đang ảnh hưởng đến nhiều diện tích đất nông nghiệp. Tình trạng sử dụng bất hợp lý phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật cũng như ô nhiễm đất do các chất độc hóa học tồn lưu đang trở thành vấn đề đáng báo động ở một số tỉnh thành. Vấn đề phát sinh, thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn, chất thải rắn làng nghề và chất thải trồng trọt, chăn nuôi cũng đang đặt ra nhiều thách thức. Nguyên nhân chủ yếu là do các hoạt động sản xuất ở các vùng nông thôn còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, hiệu quả sử dụng nguyên/nhiên liệu thấp, mặt bằng sản xuất hạn chế cùng với nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường chưa thực sự được phát huy. Trong những năm gần đây, các cụm công nghiệp có xu hướng chuyển dần về khu vực nông thôn. Thực chất đây chỉ là xu hướng dịch chuyển ô nhiễm từ vùng này sang vùng khác. Các yếu tố này đã tạo sức ép lên môi trường và là nguyên nhân trực tiếp gây ô nhiễm môi trường ở một số vùng nông thôn.
Ô nhiễm môi trường ở nông thôn cũng đã gây ra những thiệt hại về kinh tế - xã hội và tác động trực tiếp đến cuộc sống người dân nông thôn, ảnh hưởng đến cảnh quan và gây ra một số xung đột về môi trường. Nổi cộm nhất là các vấn đề liên quan đến ô nhiễm nguồn nước và chất thải sinh hoạt nông thôn.
Trong những năm qua, công tác quản lý và bảo vệ môi trường nông thôn đã nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Các nội dung về quản lý môi trường nông thôn được điều chỉnh bằng nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Bộ máy tổ chức quản lý môi trường nông thôn đang được củng cố và nâng cao năng lực. Công tác nâng cao nhận thức và huy động sự tham gia của cộng đồng trong bảo vệ môi trường ở khu vực nông thôn cũng đang được đẩy mạnh. Tuy nhiên, công tác quản lý và bảo vệ môi trường nông thôn vẫn còn tồn tại những khó khăn, thách thức chưa được giải quyết ở các mức độ và cấp độ khác nhau. Một số quy định pháp luật liên quan đến bảo vệ môi trường khu vực nông thôn còn thiếu tính khả thi. Vẫn còn tồn tại tình trạng chồng chéo trong phân công trách nhiệm, có những mảng còn bỏ ngỏ trong tổ chức quản lý môi trường nông thôn. Đầu tư tài chính cho quản lý và bảo vệ môi trường nông thôn còn thấp và chưa nhận được sự quan tâm thích đáng. Các hoạt động quản lý và kiểm soát chất thải từ khu vực nông thôn chưa thực sự hiệu quả. Nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường nông thôn còn hạn chế. Việc triển khai Chương trình nông thôn mới đã đạt một số thành công, bộ mặt nông thôn đã có nhiều đổi mới. Tuy nhiên, đánh giá chung cho thấy nhóm các tiêu chí về môi trường khó thực hiện và là một trong 3 nhóm có tỷ lệ đạt thấp nhất (dưới 30%).
Thông qua những đánh giá về hiện trạng môi trường và công tác quản lý, Báo cáo nhận định một số vấn đề bức xúc, nổi cộm về môi trường nông thôn bao gồm: phát triển sản xuất chưa quan tâm đúng mức đến công tác bảo vệ môi trường; thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn còn hạn chế; chưa kiểm soát được chất thải là bao bì, hóa chất bảo vệ thực vật; khó khăn trong kiểm soát ô nhiễm môi trường làng nghề; công tác quản lý môi trường nông thôn còn đan xen, thiếu đơn vị đầu mối quản lý; tỷ lệ dân cư nông thôn được cấp nước sạch và điều kiện vệ sinh môi trường nông thôn còn thấp.
Từ các phân tích của Báo cáo môi trường quốc gia 2014 – Môi trường nông thôn, một số kiến nghị đã được đưa ra:
Kiến nghị đối với Quốc hội và Chính phủ
1. Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về BVMT nông thôn một cách hệ thống và đồng bộ.
2. Kiện toàn tổ chức bộ máy QLMT nông thôn theo hướng tập trung và toàn diện.
3. Tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vấn đề bức xúc về môi trường nông thôn.
4. Rà soát, điều chỉnh bộ tiêu chí, đặc biệt là nhóm tiêu chí về môi trường trong Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới, đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện nông thôn hiện nay.
5. Đẩy mạnh các chính sách khuyến khích, hỗ trợ trong công tác quản lý chất thải nông thôn; cơ chế hỗ trợ phát triển các tổ chức dịch vụ môi trường nông thôn.
6. Tăng cường nguồn đầu tư, tài chính từ ngân sách nhà nước và huy động đầu tư từ các nguồn khác cho hoạt động BVMT nông thôn. Trong đó, cần ưu tiên nguồn lực để giải quyết từng bức những vấn đề bức xúc hiện nay như xử lý chất thải rắn, nước thải.
7. Xây dựng các cơ chế, chính sách thu hút sự tham gia của các bên, trong đó có cộng đồng dân cư, trong các quá trình lập quy hoạch, kế hoạch và triển khai các biện pháp BVMT nông thôn.
Kiến nghị đối với các địa phương
1. Kiện toàn bộ máy thực thi công tác BVMT các cấp, đặc biệt là cấp xã.
2. Triển khai các chính sách, quy định pháp luật về BVMT nông thôn một cách hiệu quả; đặc biệt, tập trung khuyến khích, xây dựng quy chế quản lý, hương ước, quy ước nhằm huy động sự tham gia của cộng đồng trong quản lý và BVMT nông thôn.
3. Tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020 và Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và VSMT nông thôn giai đoạn 2012 - 2015.
4. Tăng cường triển khai các hoạt động quản lý và kiểm soát chất thải từ khu vực nông thôn, bao gồm việc quản lý CTR sinh hoạt; chất thải là bao bì phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật, các chất hóa học tồn lưu trong đất; kiểm soát chất thải từ các làng nghề…
5. Đầu tư nâng cao năng lực hệ thống cơ sở hạ tầng nghiên cứu KHCN, ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động sản xuất nông nghiệp nông thôn theo hướng khuyến khích áp dụng công nghệ sạch, SXXH, phát triển bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế và BVMT.
6. Xây dựng các mô hình điểm về quản lý và BVMT nông thôn để pháp huy và nhân rộng trong cộng đồng làng xã.
Trên đây là những kiến nghị mang tính định hướng cần được tập trung chỉ đạo và thực hiện trong thời gian tới nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý; phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm; từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường và đảm bảo các mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở nước ta.
Các số liệu và thông tin liên quan trong Báo cáo được cập nhật hết tháng 12 năm 2014 và được cung cấp chính thức từ các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm.
Báo cáo sẽ là tài liệu hữu ích đối với các nhà quản lý, hoạch định chính sách, nhà khoa học, nghiên cứu cũng như cho tất cả những ai quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường ở Việt Nam.
Tải về Báo cáo Môi trường quốc gia 2014 - Môi trường nông thôn (dạng file pdf)
Bìa; Mục lục; Chương 1; Chương 2; Chương 3_1; Chương 3_2; Chương 4; Chương 5_1; Chương 5_2; Chương 6, Kết luận