Bộ TNMT công bố Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia năm 2018
04/09/2019 11:15:00
Ngày 31/7, Bộ TNMT có Công văn số 3680/BTNMT-TCMT về việc công bố Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia năm 2018 gửi tới các cơ quan Đảng

Chính phủ, Quốc hội, các Bộ, ngành,  Sở TNMT các địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, Tổ chức Chương trình Quốc tế, Trường Đại học, Viện nghiên cứu, chuyên gia môi trường, cơ quan truyền thông.​

Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2018 đánh giá tổng quan về hiện trạng môi trường nước các lưu vực sông trong giai đoạn 2014 – 2018, phân tích những kết quả đã đạt được, cũng như những khó khăn thách thức đã và đang đặt ra đối với công tác quản lý môi trường nước, từ đó đề xuất phương hướng, giải pháp nhằm cải thiện tình trạng ô nhiễm nước, quản lý và kiểm soát ô nhiễm môi trường nước hiệu quả trong thời gian tiếp theo. Đây là nguồn tài liệu quan trọng, thiết thực đối với công tác hoạch định, xây dựng, quản lý và thực hiện chính sách về công tác bảo vệ môi trường đối với các ngành, lĩnh vực, địa phương.

Năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia với chủ đề “Môi trường nước các lưu vực sông” nhằm đánh giá tổng thể và toàn diện về hiện trạng môi trường nước các lưu vực sông và các vấn đề liên quan đến công tác quản lý môi trường nước các lưu vực sông ở Việt Nam trong giai đoạn 2014 - 2018. 

Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2018 - chủ đề Môi trường nước các lưu vực sông được xây dựng gồm 06 chương, tập trung vào các nội dung chính, bao gồm: tổng quan về các lưu vực sông của nước ta và sức ép lên môi trường nước các lưu vực sông; các nguồn gây ô nhiễm; hiện trạng, diễn biến chất lượng môi trường nước các lưu vực sông; tác động của ô nhiễm môi trường nước; đánh giá tổng quan về công tác quản lý môi trường nước các lưu vực sông, những thách thức đã và đang đặt ra và đề xuất giải pháp.

Việt Nam là quốc gia có hệ thống sông ngòi dày đặc với tổng lượng dòng chảy nước mặt hàng năm lên đến 830-840 tỷ m3. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên nước của nước ta chỉ ở mức trung bình trên thế giới. Tổng lượng nguồn nước từ nước ngoài chảy vào Việt Nam chiếm khoảng 63%. Môi trường nước các lưu vực sông đang đứng trước sức ép rất lớn bởi nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất và dân sinh ngày càng tăng cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, áp lực của sự gia tăng dân số, quá trình đô thị hóa mạnh mẽ. Chính điều đó đã tạo ra nhiều tác động tiêu cực đến chất lượng và trữ lượng nguồn nước các lưu vực.

 

Ô nhiễm môi trường nước trên các lưu vực sông xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, một phần do tiếp nhận chất thải từ các nguồn xả thải vào lưu vực sông (LVS), một phần do sự lan truyền chất ô nhiễm trong môi trường nước. Một số nguồn ô nhiễm chính, bao gồm: nước thải sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp, làng nghề, y tế và chất thải rắn. Trong tổng lượng nước thải phát sinh ra các lưu vực, lượng nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất. Tùy theo khu vực, vùng miền, tỷ lệ nước thải phát sinh từ các nguồn là khác nhau. Vùng đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long, nước thải sinh hoạt và nước thải nông nghiệp đóng góp tỷ lệ lớn do tốc độ đô thị hóa cao, là những vựa lúa chính cũng như tập trung làng nghề lớn nhất trên cả nước. Vùng Đông Nam Bộ là khu vực tập trung nhiều nước thải công nghiệp. Vùng Trung du và miền núi phía Bắc, khu vực Tây Nguyên, nước thải từ công nghiệp khai khoáng và nước thải từ trồng trọt và chăn nuôi chiếm tỷ lệ lớn. Trong khi đó, tại vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, nước thải chế biến thực phẩm lại là một nguồn phát sinh quan trọng.

Trong giai đoạn 2014 - 2018, bên cạnh một số LVS vẫn duy trì chất lượng nước ở mức khá tốt như LVS Hồng - Thái Bình, Mê Công, thậm chí có những LVS chất lượng nước được cải thiện đáng kể qua từng năm (LVS Vu Gia - Thu Bồn, Trà Bồng - Trà Khúc, lưu vực hệ thống sông Đồng Nai), vẫn còn tồn tại những khu vực thuộc một số LVS vẫn tiếp tục bị ô nhiễm, là điểm nóng về ô nhiễm môi trường nước trong thời gian dài vẫn chưa được khắc phục như LVS Nhuệ - Đáy, các sông nội thành Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, sông Ngũ Huyện Khê, khu vực thượng nguồn sông Mã. Có những khu vực sau khi được khắc phục cải tạo lại xảy ra tình trạng tái ô nhiễm. Nguyên nhân chính của tình trạng nêu trên vẫn là do chưa kiểm soát và xử lý được triệt để các nguồn xả thải từ các hoạt động sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, làng nghề.... Cũng trong giai đoạn này, các sự cố môi trường do hoạt động sản xuất công nghiệp vẫn tiếp tục xảy ra gây tác động đến môi trường nói chung, môi trường nước nói riêng.

Hậu quả của ô nhiễm môi trường nước là những tác động tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng, các hệ sinh thái và còn gây ra những xung đột trong khai thác, sử dụng nguồn nước. Từ đó, gây ra những thiệt hại kinh tế không nhỏ cho xã hội.

Công tác quản lý môi trường nước đã có nhiều nỗ lực, hệ thống chính sách, văn bản quy phạm pháp luật liên tục được rà soát, sửa đổi để hoàn thiện; công tác thống kê, quản lý nguồn thải ở một số LVS trọng điểm đã bắt đầu được triển khai; nhiều dự án, chương trình xử lý ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường nước đã được triển khai và thu được nhiều kết quả khá tốt. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại hạn chế và những thách thức đặt ra trước tình hình mới, đó là các vấn đề về quản lý môi trường nước LVS liên vùng, liên tỉnh, kiểm soát ô nhiễm môi trường nước xuyên biên giới, vấn đề an ninh nguồn nước, quản lý tài nguyên, môi trường nước và ứng phó với biến đổi khí hậu…

Để từng bước giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường nước các LVS cũng như những thách thức đặt ra đối với công tác quản lý và kiểm soát ô nhiễm môi trường nước, Báo cáo đã đề xuất các nhóm giải pháp, bao gồm nhóm các giải pháp tổng thể để bảo vệ và quản lý tổng hợp môi trường nước, nhóm các giải pháp cụ thể cho các LVS theo vùng địa lý và nhóm giải pháp ưu tiên thực hiện để khắc phục và xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm môi trường nước, giám sát các vấn đề môi trường xuyên biên giới và ứng phó hiệu quả diễn biến BĐKH để giảm thiểu tác động tới môi trường nước các lưu vực sông.

Trên cơ sở các phân tích, đánh giá trong Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2018, đồng thời, trên cơ sở những chỉ đạo, định hướng của Quốc hội và Chính phủ, một số kiến nghị đã được đưa ra trong Báo cáo. Cụ thể, kiến nghị đối với Quốc hội và Chính phủ gồm tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản, chính sách pháp luật liên quan đến môi trường nói chung, đến môi trường nước LVS nói riêng. Xem xét, rà soát sửa đổi Luật Tài nguyên nước 2012; tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường từ Trung ương đến địa phương. Sớm xem xét và phê duyệt lại việc thành lập các Ủy ban LVS để giải quyết các vấn đề về quản lý môi trường nước liên ngành, liên vùng, liên tỉnh.

Tăng cường giám sát việc triển khai thực thi các Luật, văn bản liên quan đến bảo vệ môi trường nói chung, môi trường nước nói riêng. Giám sát các Dự án, Chương trình có quy mô lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, đặc biệt ở các khu vực nhạy cảm; đẩy mạnh việc chỉ đạo, giải quyết các vấn đề bức xúc, ngăn chặn việc gia tăng ô nhiễm môi trường nước, đảm bảo an ninh nguồn nước và vấn đề ô nhiễm xuyên biên giới; bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách thu hút, huy động sự tham gia của cộng đồng, trong đó, ưu tiên huy động sự tham gia của cộng đồng đối với các dự án, chương trình xử lý, khắc phục, cải thiện ô nhiễm môi trường nước.

Đối với các Bộ ngành, địa phương, Báo cáo kiến nghị: Tiếp tục xây dựng và trình Chính phủ tổ chức thực hiện các Chương trình, Dự án nhằm giải quyết các vấn đề bức xúc về môi trường nước thuộc phạm vi quản lý của Bộ/ngành, địa phương; hoàn thiện cơ cấu tổ chức hệ thống quản lý nhà nước của từng cấp, từng ngành, vừa đáp ứng chủ trương về tinh giản biên chế nhưng vẫn đảm bảo nguồn nhân lực quản lý môi trường, trong đó có vấn đề quản lý môi trường nước. 

Đẩy mạnh triển khai thực hiện các quy hoạch bảo vệ môi trường LVS, thống nhất quy hoạch sử dụng nước giữa các ngành; lựa chọn và áp dụng các công nghệ xử lý nước thải tiên tiến, phù hợp với điều kiện nước ta; tăng cường thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường nước, các hoạt động kiểm soát ô nhiễm, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nước, nhằm hạn chế tối đa các nguy cơ ô nhiễm, sự cố môi trường; triển khai hiệu quả các chương trình, dự án, nhiệm vụ nhằm khắc phục, xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm môi trường, trong đó có môi trường nước.

Bộ Tài nguyên và Môi trường trân trọng công bố Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia năm 2018 và cảm ơn sự hợp tác của các cơ quan Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các Bộ, ngành,  Sở TNMT các địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, Tổ chức Chương trình Quốc tế, Trường Đại học, Viện nghiên cứu, chuyên gia môi trường, cơ quan truyền thông.

Mời xem và tải toàn văn Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia năm 2018: Bao cao HTMT Quoc Gia 2018-Moi truong nuoc cac LVS_Signed.pdf​

(VEA)

Hình ảnh

Liên kết