Biến đổi khí hậu làm gia tăng tính cực đoan của thiên tai năm 2024
10/05/2024 16:04:00
Hội nghị do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Uỷ ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chủ trì

Ngày 10/5, tại Hội nghị toàn quốc về công tác Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn năm 2024, ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã thông tin cụ thể về tình hình thiên tai khí tượng thủy văn năm 2023, các tháng đầu năm 2024 cũng như dự báo xu thế thiên tai từ nay đến cuối năm.

Theo đó, hiện tượng El Nino đang suy yếu dần và dự báo có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina trong các tháng cuối năm 2024. Biến đổi khí hậu tiếp tục tác động làm gia tăng tính cực đoan (gồm cả tối thấp và tối cao) nên năm 2024 dự báo sẽ có diễn biến thiên tai KTTV phức tạp, gồm cả nắng nóng, hạn mặn, dông lốc mưa đá hơn mức bình thường vào nửa đầu năm và mưa, bão, lũ, ngập lụt xuất hiện nhiều, tập trung vào nửa cuối năm. Đây là kịch bản tác động khả giống với hình thái diễn biến ENSO năm 2020.

Hội nghị do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Uỷ ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chủ trì. Ảnh: Văn Ngân/VOV

72 trận mưa đá từ đầu năm đến nay

Phát biểu tại Hội nghị, ông Hoàng Đức Cường cho biết, El Nino đã tác động đến thời tiết và khí hậu nước ta từ năm 2023. Trong năm này, cả nước đã xảy ra 8 cơn bão và áp thấp nhiệt đới (5 cơn bão và 3 ATNĐ), 25 đợt không khí lạnh, 20 đợt nắng nóng diện rộng, tình trạng thiếu nước đã xảy ra ở khu vực Bắc Bộ từ tháng 1 - 7/2023 phổ biến thiếu hụt so với TBNN từ 10 - 80%; 21 đợt mưa lớn trên diện rộng, 13 đợt lũ ở khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên.

Lũ quét, sạt lở đất xảy ra trên phạm vi 35 tỉnh thuộc khu vực trung du và miền núi các tỉnh Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên. Ngoài ra, còn nhiều loại hình thiên tai khác đã và đang có diễn biến phức tạp như dông lốc, sét, sường mù, mưa đá, rét hại … cũng gây thiệt hại không nhỏ về người, tài sản, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của nhân dân.

Ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Văn Ngân/VOV

Sang đến năm 2024, nhiệt độ trung bình 4 tháng đầu năm tại các khu vực trên cả nước đều cao hơn so với TBNN từ 0,5 - 1,5 độ C. Riêng trong tháng 4/2024 tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nhiệt độ cao hơn từ 3,1 - 3,6 độ C.

Bên cạnh đó, 110/186 trạm quan trắc trên cả nước đã ghi nhận giá trị nhiệt độ cao nhất ngày vượt giá trị lịch sử. Đặc biệt tại Đông Hà (Quảng Trị) nhiệt độ ngày 28/4/2024 đo được là 44 độ C đây là giá trị cao nhất từ năm 1976 đến nay tại Quảng Trị. Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ cũng đã xuất hiện nắng nóng và nắng nóng gay gắt kéo dài trong tháng 4/2024.

Những tháng đầu năm 2024, đã xuất hiện rất nhiều mưa dông kèm mưa đá. Tính đến ngày 7/5, trên cả nước đã xuất hiện 72 trận mưa đá, trong đó tỉnh Nghệ An là tỉnh có số lần xảy ra mưa đá nhiều nhất trên cả nước với 11/72 trận mưa đá; mưa đá, lốc sét và gió giật mạnh đã gây ra nhiều thiệt hại về kinh tế, xã hội và môi trường.

Dòng chảy trên các sông, hồ chứa khu vực Bắc Bộ phổ biến thiếu hụt so với TBNN từ 30-60%, thiếu hụt nhiều trên sông Thao và sông Lô từ 50-60%, dòng chảy trên các sông ở Trung Bộ, Tây Nguyên phổ biến thiếu hụt so với TBNN từ 25-50%.

Xâm nhập mặn tại khu vực Nam Bộ trong mùa khô năm 2023-2024 đã đến sớm và gay gắt hơn TBNN và năm 2022-2023. Các đợt xâm nhập mặn trong thời gian vừa qua đã gây ra tình trạng thiếu nước ngọt cục bộ tại một số khu vực chưa có điều kiện tiếp cận nguồn cấp nước tập trung tại một số tỉnh ven biển.

Chủ động dự báo, cảnh báo sớm và dài hạn

Trước những nhận định về El Nino có thể gây diễn biến thiên tai phức tạp, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo Tổng cục Khí tượng Thủy văn theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình thiên tai, nguồn nước trên các lưu vực sông. Từ đó, chủ động dự báo, cảnh báo sớm, dài hạn về tình hình El Nino, nắng nóng, hạn hán, nguồn nước và cung cấp thông tin kịp thời cho các cơ quan chỉ đạo và người dân.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành tham dự Hội nghị. Ảnh: Văn Ngân/VOV

Phó Tổng cục trưởng Hoàng Đức Cường cho biết, ngay từ đầu năm 2023, Bộ TNMT đã ban hành Kế hoạch ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn năm 2023-2024, trong đó phân công rõ nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị nhằm tăng cường sự phối hợp trong quá trình tổ chức theo dõi, giám sát tình hình nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; thực hiện theo dõi sát tình hình nguồn nước tại các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, cập nhật bản tin dự báo nguồn nước phục vụ vận hành hồ chứa ngay khi phát hiện các điều kiện bất thường.

Những tháng cuối năm 2023, đầu năm 2024, nhận định tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ động gửi công văn tới các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Giao thông vận tải … và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cung cấp thông tin cảnh báo các đợt mưa lớn diện rộng, đặc biệt là các trận mưa cường suất lớn sẽ xuất hiện thường xuyên hơn, gây ra nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất ở các khu vực vùng núi của Trung Bộ, Tây Nguyên.

Ngày 22/9/2023, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre tổ chức Hội nghị dự báo El Nino, nguồn nước, hạn mặn mùa khô 2023-2024 ở khu vực Nam Bộ. Các địa phương ở Nam Bộ đã chủ động ứng phó và giảm nhiều thiệt hại.

Hội nghị được kết nối trực tuyến tới điểm cầu của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.Ảnh: Văn Ngân/VOV

Các tháng đầu năm 2024, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã liên tục cập nhật các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai định kỳ và chuyên đề về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, nắng nóng, thiếu nước phục vụ các cơ quan chỉ đạo điều hành và cung cấp thông tin cho nhân dân chủ động phòng tránh.

Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức đoàn đã khảo sát tại một số khu vực trọng điểm về sạt lở đất ở các tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng, Bộ đã Báo cáo Thủ tướng chính phủ về nguyên nhân và đề xuất một số giải pháp phòng, chống sạt lở tại khu vực.

Xu thế thiên tai từ nay đến cuối năm

Ông Hoàng Đức Cường cho biết, hiện nay, hiện tượng El Nino đang suy yếu dần và chuyển sang trạng thái trung tính. Dự báo có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina trong các tháng cuối năm 2024.

Trước mắt, Bắc Bộ và các tỉnh miền Trung có khả năng xuất hiện 2 đợt nắng nóng và nắng nóng gay gắt trên diện rộng vào nửa cuối tháng 5. Tây Nguyên và Nam Bộ có thể xuất hiện 1 đợt nắng nóng trong những ngày tới và có mưa chuyển mùa trong giai đoạn nửa cuối tháng 5, nắng nóng sẽ giảm dần.

Phó Tổng cục trưởng Hoàng Đức Cường nhận định xu thế thiên tai khí tượng thủy văn đến hết năm 2024. Ảnh: Văn Ngân/VOV

Từ tháng 6 đến hết năm 2024, nắng nóng gia tăng về cường độ và mở rộng dần sang các nơi khác của khu vực Bắc Bộ, khu vực Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ. Hiện tượng nắng nóng và nắng nóng gay gắt có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với TBNN trong tháng 7 - 8/2024, đề phòng xảy ra nắng nóng đặc biệt gay gắt. Nắng nóng có xu hướng giảm dần từ nửa cuối tháng 8 ở Bắc Bộ và từ tháng 9 ở khu vực Trung Bộ.

Khu vực Trung Bộ cũng có khả năng xuất hiện khô hạn kéo dài trong thời kỳ từ tháng 5 - 8/2024, tập trung tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận.

Về bão, áp thấp nhiệt đới, dự báo có khoảng 11-13 cơn trên Biển Đông và 5-7 cơn ảnh hưởng đến đất liền. Hoạt động của bão và ATNĐ có khả năng sẽ tập trung vào nửa cuối mùa bão (từ tháng 9-11/2024).

Mưa lớn dự báo sẽ xuất hiện chính ở Bắc Bộ vào tháng 7 - 9, ở Trung Bộ tháng 9 - 11. Mưa lớn cục bộ với cường suất lớn từ 50-100mm trong 3-6 giờ có khả năng xuất hiện nhiều trong thời gian tới, đề phòng gây sạt lở và lũ quét ở vùng núi, ngập úng đô thị.

Đặc biệt, cảnh báo kịch bản La Nina tác động vào nửa cuối năm 2024 có thể xuất hiện các đợt mưa tập trung nhiều trong các tháng cuối năm 2024 tại khu vực Trung Bộ.

Dự báo ven biển Đông Nam Bộ có 3 đợt triều cường cao, vào các ngày 18-23/9, 16-22/10, 12-20/11 và 12-18/12. Trong đó, đợt triều ngày 16-22/10 và 12-20/11, mực nước trạm Vũng Tàu có thể đạt trên 4,3m. Nguy cơ cao ngập úng khu vực trũng thấp và vùng ngoài đê bao nhất là khi trùng với thời gian gió chướng hoạt động mạnh tại khu vực. Trong tháng 7-8/2024, ven biển các tỉnh Tây Nam Bộ có khả năng xuất hiện 1-2 đợt nước biển dâng bất thường kèm theo sóng lớn gây sạt lở đê biển, nhất là tại huyện Trần Văn Thời, Cà Mau.

“TRONG NỬA ĐẦU MÙA MƯA BÃO, THIÊN TAI SẼ TẬP TRUNG Ở BẮC BỘ, BẮC TRUNG BỘ, TÂY NGUYÊN VÀ VỚI KỊCH BẢN LA NINA XUẤT HIỆN, BÃO SẼ TẬP TRUNG NHIỀU VÀO GIAI ĐOẠN CUỐI NĂM.

NHIỀU BÃO HÌNH THÀNH TRÊN BIỂN ĐÔNG VÀ TÁC ĐỘNG NHANH HƠN ĐẾN ĐẤT LIỀN VÀO NỬA CUỐI CỦA NĂM. MƯA LỚN, BÃO, NGẬP LỤT VÀ NGUY CƠ LŨ QUÉT, SẠT LỞ ĐẤT Ở MIỀN TRUNG TRONG GIAI ĐOẠN NỬA CUỐI NĂM 2024 CÓ DẤU HIỆU TƯƠNG TỰ VỚI MÙA MƯA BÃO NĂM 2020.

PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN HOÀNG ĐỨC CƯỜNG

Theo Phó Tổng cục trưởng Hoàng Đức Cường, trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thuỷ văn, hải văn trên phạm vi cả nước; ứng dụng công nghệ mới nhằm chi tiết hóa và truyền tải các thông tin dự báo; duy trì và phát triển các hình thức truyền tải bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn tới người dùng như ứng dụng trên điện thoại di động, Facebook, Zalo, Youtube,...

BÊn cạnh đó, rà soát điều chỉnh các quy trình vận hành liên hồ chứa, trong đó kiến nghị sửa đổi một số điều trên một số lưu vực sông để giải quyết các tồn tại, bất cập và theo hướng linh hoạt để thích nghi với biến đổi khí hậu, bảo đảm hài hòa trong tích nước phục vụ sản xuất điện và cấp nước hạ du.

Báo TNMT.

Hình ảnh

Liên kết