Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ công năm 2024
27/12/2023 15:55:00
Ngày 26/12, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2024 của Cục. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh và Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đến dự và chỉ đạo Hội nghị.


Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

 Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân phát biểu tại Hội nghị

Tham dự Hội nghị có Lãnh đạo, đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ Tài Nguyên và Môi trường (TN&MT): Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Pháp chế; Vụ Kế hoạch – Tài chính; Vụ Khoa học, Công nghệ; Vụ Hợp tác quốc tế; Văn phòng Bộ; Thanh tra Bộ; Cục Chuyển đổi số và Dữ liệu tài nguyên và môi trường; Cục Biến đổi khí hậu, Cục Quản lý tài nguyên nước, Cục Khoáng sản Việt Nam, Cục Địa chất, Tổng cục Khí tượng thủy văn,... Về phía Lãnh đạo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, có sự tham dự của Cục trưởng Hoàng Văn Thức, các đồng chí Phó Cục trưởng: Nguyễn Thị Thiên Phương, Lê Hoài Nam, Hồ Kiên Trung và đông đủ Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Cục, công chức, viên chức và người lao động của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường.

 Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường Hoàng Văn Thức phát biểu khai mạc Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường Hoàng Văn Thức cho biết xác định vai trò, sứ mệnh quan trọng của cơ quan quản lý nhà nước Trung ương về bảo vệ môi trường (BVMT) nói chung và kiểm soát ô nhiễm môi trường nói riêng, trong năm 2023, mặc dù đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là trong bối cảnh đơn vị mới được thành lập; vừa phải kiện toàn tổ chức để nhanh chóng đi vào ổn định, vừa phải triển khai đồng bộ các nhiệm vụ để đưa công tác BVMT và nhiệm vụ chuyên ngành về kiểm soát ô nhiễm môi trường được triển khai xuyên suốt, tránh đứt đoạn khi chuyển đổi mô hình từ Tổng cục chia tách thành 03 đơn vị. Song với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp lãnh đạo; sự vào cuộc trực tiếp của tập thể Lãnh đạo Cục và sự nỗ lực của các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường; sự phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ tích cực của các Bộ, ngành, đơn vị liên quan, công tác quản lý nhà nước về BVMT nói chung và kiểm soát ô nhiễm môi trường nói riêng đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần không nhỏ vào thành công chung của toàn ngành tài nguyên và môi trường.


Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân và Lãnh đạo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường chủ trì phiên thảo luận tại Hội nghị

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe Cục trưởng Hoàng Văn Thức điểm qua các kết quả nổi bật đạt được của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường năm 2023 và phóng sự “Chặng đường mới kiểm soát ô nhiễm môi trường” phản ánh các kết quả công tác năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2024 của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường. Theo đó, năm 2023, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường đã đạt được một số kết quả nổi bật đạt được như: (1) Đã chủ động, kịp thời kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các đơn vị trực thuộc Cục và kiện toàn tổ chức bộ máy; (2) Đã tập trung nguồn lực triển khai đồng bộ các quy định của pháp luật về BVMT theo Luật BVMT năm 2020, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý trong lĩnh vực kiểm soát ô nhiễm môi trường, trọng tâm là đẩy mạnh quản lý theo hướng chủ động phòng ngừa, tăng cường kiểm soát, ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật về BVMT; (3) Triển khai hiệu quả công tác giám sát nguồn ô nhiễm thông qua việc triển khai Quyết định số 750/QĐ-BTNMT ngày 28/3/2023 của Bộ trưởng Bộ TNMT về Kế hoạch tăng cường phòng ngừa, giám sát, kiểm soát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; Công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT đã được tăng cường, qua công tác kiểm tra, giám sát đã xử lý/ kiến nghị xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về BVMT đối với 48 cơ sở với tổng số tiền phạt hơn 23 tỷ đồng, kiến nghị xử phạt trên 11 tỷ đồng, nâng tổng số tiền xử phạt dự kiến trên 44 tỷ đồng. (4) Đã tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ về quản lý rác thải, từng bước thực hiện tái chế, tái sử dụng rác thải thay cho chôn lấp, giảm thiểu rác thải nhựa; kiểm soát chặt chẽ về môi trường đối với các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp. (5) Đã tham mưu cho Bộ xây dựng và tổ chức hiệu quả Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng không khí giai đoạn 2021-2025; xây dựng và tổ chức thực hiện nhiệm vụ đánh giá sức chịu tải của môi trường nước mặt và quản lý chất lượng nước đối với một số lưu vực sông liên tỉnh. (6) Hoàn thành tốt các chỉ tiêu môi trường đã đề ra trong các Chiến lược, Kế hoạch về BVMT đề ra.


Toàn cảnh Hội nghị

Số lượng các Khu công nghiệp (KCN) có hệ thống xử lý nước thải tập trung là 271/297 KCN, đạt 91,2% (tăng 06 KCN so với năm 2022, tương ứng 9,12%); số lượng Cụm công nghiệp (CCN) đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung là 179/734 CCN, đạt 24,4% (tăng 64 CCN so với năm 2020, tương ứng 8,7%); tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom xử lý tại đô thị ước đạt 96%; tại khu vực nông thôn ước đạt 71%; trong đó tỷ lệ chôn lấp khoảng 64% (giảm 26% so với năm 2012); tỷ lệ thu gom, xử lý CTNH ước tính đạt khoảng 90%, vượt chỉ tiêu đề ra cả năm (85%); Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường ước đạt trên 90%. 


Các đại biểu tham dự Hội nghị

Đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện Báo cáo kết quả công tác năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2024 của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường đã có phát biểu tham luận tại Hội nghị. Trong đó, Bà Trần Thị Minh Hương, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường miền Bắc, thay mặt Lãnh đạo 03 Chi cục vùng phát biểu tham luận về công tác kiểm tra, giám sát các điểm nóng và vấn đề kiểm soát ô nhiễm môi trường Bắc Hưng Hải, một số thuận lợi và khó khăn; Bà Dương Thị Thanh Xuyến, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý chất thải rắn sinh hoạt phát biểu tham luận về công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt; Ông Phạm Quang Hiếu, Giám đốc Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc phát biểu tham luận về triển khai hoạt động quan trắc và phân tích môi trường đáp ứng yêu cầu công tác quản lý. Các tham luận tại Hội nghị được các đại biểu ghi nhận và đánh giá cao.

Một số Lãnh đạo đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT đều đánh giá cao các kết quả đạt được trong năm 2023 của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường và ghi nhận, cảm ơn sự phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ, chia sẽ trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ được Lãnh đạo Bộ TN&MT giao trong thời gian qua. Trong đó, các ý kiến phát biểu đều bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được hỗ trợ tích cực của Cục Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường năm 2024 trong công tác xây dựng cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về BVMT, hợp tác quốc tế, biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên nước, bảo vệ nước mặt các lưu vực vực sông, xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ về lĩnh vực môi trường,.... nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường nói chung và cùng chung mục đích bảo vệ môi trường.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhất trí với các nội dung trong Báo cáo của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường. Trong đó, ghi nhận các kết quả đã đạt được trong năm 2023 rất đáng khích lệ, như: công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án, kế hoạch,…; đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật về môi trường và đạt được một số kết quả tích cực; đã chủ động tham mưu, báo cáo Lãnh đạo Bộ để xử lý nhiều vụ việc môi trường nóng, bức xúc được dư luận và báo chí phản ánh,... Bênh cạnh đó, Thứ trưởng lưu ý bên cạnh việc phát huy các kết quả các mảng công việc đạt được năm 2023, Cục cần tiếp tục nâng cao hơn nữa công tác quan trắc môi trường, dự báo, cảnh báo về ô nhiễm môi trường và có kế hoạch chủ động kiểm soát ô nhiễm môi trường trong thời gian tới, tuyệt đối không để xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng.

Nhất trí với các nội dung Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân và Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ đã phát biểu, các nội dung trong Báo cáo và phóng sự phản ánh kết quả công tác đạt được năm 2023 của Cục, Bộ trưởng đánh giá cao và ghi nhận những kết quả đã đạt được trong năm 2023 của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường. Đối với phương hướng nhiệm vụ năm 2024 và các năm tiếp theo, Bộ trưởng chỉ đạo Cục phải tập trung xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, Định mức kinh tế kỹ thuật được giao ngay từ đầu năm; tiếp tục phát huy thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường; xử lý nghiêm, có tính răn đe đối với các hành vi vi phạm, đồng thời kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, hướng dẫn các địa phương làm tốt công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn; tăng cường năng lực quản lý, nâng cao hiệu quả xử lý chất thải, nhất là chất thải rắn sinh hoạt; đảm bảo các điều kiện sẵn sàng hướng dẫn các địa phương trong phân loại chất thải rắn tại nguồn để thực hiện đúng lộ trình Luật BVMT 2020 quy định... Bên cạnh đó, cần lưu ý các công việc sau: (1) Cục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phải làm tốt công tác đảng, công tác chính trị, tư tưởng để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; khẩn trương kiện toàn bộ máy lãnh đạo các đơn vị, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nhân tài, cơ chế khen thưởng, kỷ luật nhằm nâng cao hiệu quả công việc. Tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Tăng cường hơn nữa công tác phối hợp, gắn kết với các địa phương để nắm bắt chắc tình hình, vấn đề phát sinh chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại, nước thải... cũng như vấn đề ô nhiễm môi trường tại địa phương, liên tỉnh, liên vùng... từ đó đánh giá đúng thực trạng, tồn tại, nguyên nhân và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về BVMT có trọng tâm, trọng điểm và thứ tự ưu tiên. (2) Tăng cường công tác xây dựng, chia sẻ, đánh giá, phân tích cơ sở dữ liệu sẵn có và cơ sở dữ liệu dùng chung, cơ sở dữ liệu chuyên ngành dự kiến xây dựng trong thời gian tới. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và truyền thông nâng cao nhận thức về BVMT bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó phải đổi mới, sáng tạo các hình thức tuyên truyền, truyền thông sinh động, trực quan, các mô hình thực tế hiệu quả để thu hút được cộng đồng, người dân, doanh nghiệp quan tâm, tham gia vào công tác BVMT; tăng cường hơn nữa công tác phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong công tác này. (3) Tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về BVMT phù hợp với thực tiễn, đưa Luật BVMT năm 2020 thực sự đi vào cuộc sống, trong đó lưu ý đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương. (4) Xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai các nhiệm vụ, phương hướng công tác năm 2024 và các năm tiếp theo; tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất để triển khai hiệu quả, chất lượng cao các nhiệm vụ được giao trong năm 2024 và các năm tiếp theo. 

Phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng và Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, Cục trưởng Hoàng Văn Thức cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ TN&MT nói chung và của Bộ trưởng, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nói riêng; sự phối hợp tích cực của các đơn vị trực thuộc Bộ thời gian qua. Tiếp thu toàn bộ các ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, năm 2024, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường sẽ tiếp tục tập trung cao độ, đoàn kết, thống nhất đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đặc biệt liên quan đến quy trình, trình tự cấp các loại giấy phép để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và phù hợp với quy định mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; tăng cường làm việc theo nhóm sinh hoạt chuyên môn tại các đơn vị để nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và đảm bảo công tác chính trị, tư tưởng, đạo đức công vụ; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải lớn, nhất là các nguồn thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; tăng cường hơn nữa các công cụ, đặc biệt là ứng dụng khoa học kỹ thuật, các biện pháp quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của thực tiễn; tăng cường năng lực quan trắc và cảnh báo môi trường vùng kinh tế trọng điểm, khu vực tập trung nhiều nguồn thải và khu vực nhạy cảm về môi trường; đẩy nhanh việc xây dựng đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu về môi trường; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường./.

 

Một số hình ảnh tại Hội nghị:


Liên kết