Giải pháp thích ứng với BĐKH và phát Đô thị xanh tại Việt Nam
26/06/2024 08:37:00
Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường được Bộ TN&MT giao làm Chủ Dự án, Viện CLCS TN&MT là cơ quan đồng thực hiện;

Ngày 25/6, Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức cuộc Họp khởi động nhiệm vụ “Đánh giá nhu cầu, xây dựng chương trình đào tạo về kiểm kê khí nhà kính, đánh giá tổn thương khí hậu, kinh tế tuần hoàn, mua sắm công xanh cho các đô thị loại II.

Cuộc Họp khởi động nằm trong khuôn khổ Dự án “Lồng ghép chống chịu BĐKH và bảo vệ môi trường để phát triển các đô thị xanh loại II” (gọi tắt là Dự án Đô thị xanh), do Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ thông qua Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB). Trong đó, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường được Bộ TN&MT giao làm Chủ Dự án, Viện CLCS TN&MT là cơ quan đồng thực hiện; nhà thầu triển khai nhiệm vụ là Công ty CP Đầu tư, phát triển TN&MT.

anh-chup-man-hinh-2024-06-25-luc-15.40.35.png

Ông Vũ Đức Đam Quang - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ TN&MT phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc, ông Vũ Đức Đam Quang - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ TN&MT (Ban Quản lý tổ chức Dự án (BQLDA) Đô thị xanh) cho biết, là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương trước các tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), Việt Nam đang trong thời kỳ phát triển tốc độ dân số đô thị, đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề phát sinh phức tạp từ quá trình đô thị hoá, đặc biệt là vấn đề môi trường, BĐKH.

Nhằm thích ứng và giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương do BĐKH gây ra, Việt Nam coi đây là nhiệm vụ ưu tiên trong chương trình nghị sự của Chính phủ. Từ năm 2021, Việt Nam đã chính thức thực hiện các cam kết quốc tế về giảm phát thải KNK trong khuôn khổ Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), tuy nhiên, nhận thức của cộng đồng trong xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp còn khá hạn chế; nhu cầu đầu tư cho thích ứng với BĐKH là rất lớn trong khi nguồn lực có hạn, việc huy động nguồn lực gặp nhiều khó khăn, chưa kể năng lực của các ngành, các tỉnh về BĐKH còn nhiều bất cập…

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang gặp phải những thách thức nhất định trong việc lồng ghép cách tiếp cận xây dựng thành phố xanh, xuất phát một phần từ hạn chế về nhân sự và năng lực tài chính ở cấp tỉnh và thành phố để xây dựng các mô hình thành công.

Vì vậy, để tăng cường năng lực thể chế bảo vệ môi trường và chống chịu BĐKH phục vụ phát triển các đô thị loại II, Ban QLDA Đô thị xanh tổ chức Họp khởi động nhiệm vụ “Đánh giá nhu cầu, xây dựng chương trình đào tạo về kiểm kê khí nhà kính, đánh giá tổn thương khí hậu, kinh tế tuần hoàn, mua sắm công xanh cho các đô thị loại II”, với mục tiêu cung cấp các dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật về đánh giá nhu cầu, nâng cao năng lực và cung cấp các khóa đào tạo về Kiểm kê KNK và đánh giá tính dễ bị tổn thương do khí hậu và kinh tế tuần hoàn (KTTH), mua sắm công xanh, phát thải carbon thấp.…tại ba thành phố thứ cấp được lựa chọn (TP. Huế, Hà Giang và Vĩnh Yên).

anh-chup-man-hinh-2024-06-25-luc-15.39.58.png

GS.TS Trần Thục - Chủ tịch Hội Khí tượng Thuỷ văn Việt Nam trình bày tham luận

Trình bày về Tổng quan kiểm kê KNK, đánh giá mức độ tổn thương khí hậu nhằm giúp kiểm kê khí nhà kính (KNK), GS. Trần Thục - Chủ tịch Hội Khí tượng Thuỷ văn Việt Nam cho rằng, rủi ro khí hậu là kết quả tương tác giữa hiểm hoạ thiên tai với mức độ dễ bị tổn thương và phơi bày của tự nhiên với con người. Rủi ro xuất phát từ tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), thiên tai và nước biển dâng… điều này gây ảnh hưởng lớn đến con người, xã hội và môi trường.

Trong đó, mức độ dễ bị tổn thương do rủi ro khí hậu gây ra đối với xã hội sẽ hướng đến đối tượng người già, trẻ em, hộ nghèo, cận nghèo; diện tích rừng phòng hộ ven biển, các hạ tầng đô thị,… Những vấn đề này đều gây cản trở phát triển kinh tế - xã hội đến hầu hết mọi quốc gia, đặc biệt đối với Việt Nam.

Do đó, để giảm thiểu rủi ro từ BĐKH và thiên tai, GS. Trần Thục đề xuất một số biện pháp như: Các Viện khoa học, Viện nghiên cứu,… cần đẩy mạnh tích hợp dự báo thay đổi của rủi ro liên quan đến khí hậu vào giảm nhẹ rủi ro thiên tai; tích hợp các biện pháp hỗ trợ cộng đồng ứng phó với thay đổi diễn ra từ sinh kế, quản lý tài nguyên thiên nhiên, chính sách Quốc gia và áp dụng các kinh nghiệm thực tiễn, kinh nghiệm nước ngoài để thích ứng.

Qua đó, cần chú trọng đến việc chọn và thực hiện biện pháp giảm rủi ro như: Phân tích, dự báo, truyền thông rủi ro; Quan trắc, thu thập số liệu và giám sát quá trình thực hiện, từ đó đánh giá hiệu quả hoạt động thực hiện giảm rủi ro thiên tai.

Về vấn đề kiểm kê KNK quốc gia, GS. Trần Thục nhấn mạnh: “Muốn quản lý được thì cần phải đo đếm được”, do đó, để thực hiện danh mục lĩnh vực, cơ sở phải thực hiện kiểm kê KNK gồm: Năng lượng; giao thông vận tải; các quá trình công nghiệp; nông nghiệp; lâm nghiệp, sử dụng đất; xây dựng và chất thải - cần thiết phải nắm được lượng phát thải (theo cách tính Lượng phát thải = Số liệu hoạt động x Hệ số phát thải) để có thể tính toán được lượng phát thải cho từng lĩnh vực kiểm kê KNK, từ đó đưa ra những biện pháp quản lý phù hợp.

anh-chup-man-hinh-2024-06-25-luc-15.39.27.png

TS. Hồ Công Hòa - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phát biểu tại cuộc Họp

TS. Hồ Công Hòa - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, từ thể chế hình thành thị trường xanh của Chính phủ Việt Nam và thông qua những kinh nghiệm thực tiễn và để thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, việc áp dụng kinh tế xanh và mua sắm công xanh được lồng ghép các yếu tố môi trường vào trong toàn bộ quá trình mua sắm công, từ khâu lập kế hoạch, lựa chọn dự án, lựa chọn nhà thầu đến triển khai, giám sát và đánh giá... điều này sẽ giúp Việt Nam thúc đẩy nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn (KTTH), mang lại nhiều giá trị và lợi ích cho xã hội.

Qua đó, TS. Hồ Công Hòa đưa ra một số đề xuất nhằm hiện thực hoá Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn của Việt Nam. Trong đó, cần định hướng, nâng cao nhận thức về KTTH cho đội ngũ cán bộ thuộc các cấp, cộng đồng doanh nghiệp, người dân; xây dựng kế hoạch phát triển KTTH riêng hoặc lồng ghép việc thực hiện phát triển KTTH trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực hoặc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Đồng thời, cần tăng cường đối thoại công - tư về phát triển KTTH, trên cơ sở phát huy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu, vướng mắc của doanh nghiệp, từ đó có biện pháp tháo gỡ, hỗ trợ phù hợp hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ, hỗ trợ ở mức độ phù hợp.

Cùng với đó, cần xây dựng cơ chế, chính sách thu hút và sử dụng đầu tư, phát triển nguồn nhân lực trong phát triển KTTH, công nghiệp và dịch vụ môi trường.

anh-chup-man-hinh-2024-06-25-luc-15.39.08.png

Các đại biểu tại cuộc Họp chụp ảnh lưu niệm

Cuộc Họp khởi động nhiệm vụ đã ghi nhận nhiều ý kiến trao đổi, đóng góp từ đại diện các đơn vị Bộ, ngành, địa phương và các nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách trong việc đảm bảo xây dựng hoàn thiện nhằm đạt được những kết quả đầu ra của dự án.

Thu Hoài

Liên kết