Tuy nhiên, chất lượng không khí có dấu hiệu ô nhiễm bụi lơ lửng. Sự ô nhiễm này do tác động chủ yếu từ hoạt động giao thông, sản xuất kinh doanh, dân sinh. Trong đó, tình trạng ô nhiễm bụi thấy rõ nhất ở khu vực làng nghề. Kết quả quan trắc môi trường làng nghề Lại Xuân của huyện Thủy Nguyên có hàm lượng bụi vượt giới hạn cho phép từ 1,67 đến 1,95 lần; tại làng nghề Mỹ Đồng, lượng bụi vượt quy chuẩn 1,78 đến hơn 2 lần.
Lượng bụi lơ lửng trong không khí tăng
Hoạt động giao thông cũng làm gia tăng lượng bụi lơ lửng. Tại các nút giao thông trên địa bàn thành phố, hàm lượng bụi lơ lửng vượt tiêu chuẩn khá cao. Điển hình là ở khu vực nút giao Đình Vũ, vượt quy chuẩn 1,81 đến 2,19 lần; Tôn Đức Thắng-Nguyễn Văn Linh vượt từ 1,09 đến 1,37 lần; Lê Duẩn-Trần Nhân Tông vượt 1,03 đến 1,24 lần. Khu vực trung tâm thành phố ghi nhận hàm lượng bụi lơ lửng không nhỏ, như tuyến đường Phạm Ngũ Lão, Lạch Tray vượt quy chuẩn 1,03 đến 1,22 lần. Tại những khu vực xa trung tâm, đơn vị quan trắc không ghi nhận hàm lượng bụi vượt quy chuẩn. Kết quả quan trắc mẫu không khí trên tuyến đường Bùi Thị Từ Nhiên, trước cổng Trường tiểu học Đông Hải 1 (quận Hải An), hàm lượng bụi lơ lửng ở trong giới hạn cho phép.
Tuyến đường 359 đoạn qua huyện Thủy Nguyên nhiều bụi do hoạt động thi công, cải tạo đường. Ảnh: TRUNG KIÊN.
Đáng lo ngại, năm 2023, chất lượng không khí nhiều nơi sụt giảm so với năm 2022. Như tại khu vực ngã tư Tôn Đức Thắng-Nguyễn Văn Linh, đường Lê Duẩn và Trần Nhân Tông, kết quả lấy mẫu trong các tháng 2, 4, 8/2023 cho thấy chất lượng không khí chỉ đạt mức trung bình; trong khi kết quả mẫu không khí của năm 2022 đạt mức tốt. Tương tự, chất lượng không khí tại khu vực cụm công nghiệp Vĩnh Niệm của năm 2023 giảm sút so với năm 2022.
Theo Giám đốc Trung tâm Quan trắc môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) Đàm Quang Quỳnh, quá trình xây dựng, phá dỡ các công trình, nhất là tại các khu vực đang quy hoạch xây dựng; việc vận chuyển vật liệu xây dựng nhưng không được che chắn cẩn thận; hoạt động của phương tiện giao thông… làm tăng mức độ ô nhiễm không khí, gia tăng hàm lượng bụi lơ lửng.
Tăng cường quan trắc, phối hợp đồng bộ kiểm soát
Theo PGS.TS Vũ Thanh Ca (Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội), thời điểm mùa đông xuân, nhiều ngày có sương mù, vấn đề ô nhiễm không khí cần được chú ý hơn. Lúc đó, toàn bộ khí thải xe máy, ô tô và khói, bụi từ các hoạt động đốt khác sẽ được giữ lại gần mặt đất, nên mức độ ô nhiễm tăng hơn.
Thực tế lấy mẫu quan trắc không khí trong năm 2023 cũng cho thấy, thời điểm giao mùa đông xuân có chất lượng không khí kém hơn so với những tháng còn lại của năm. Tháng 6/2023, 100% số mẫu lấy cho chất lượng tốt, nhưng tháng 8 số mẫu đạt chất lượng tốt giảm còn 80%; tháng 2/2023 giảm còn 60%. Ô nhiễm không khí ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe con người, nhất là các bệnh liên quan đến đường hô hấp, tim mạch, đột quỵ, ung thư. Nhóm nhạy cảm như trẻ em, phụ nữ mang thai, người già dễ bị tác động bởi ô nhiễm không khí. Để bảo vệ môi trường sống của người dân, tháng 4/2021, UBND thành phố có Chỉ thị 12/CT-UBND quản lý chất lượng môi trường không khí thông qua kiểm soát nguồn phát sinh khí thải và giám sát chất lượng không khí chung quanh. Theo Chỉ thị này, Sở Tài nguyên và Môi trường được giaochủ trì, cùng các cơ quan, địa phương liên quan đánh giá tình hình chấp hành pháp luật về kiểm soát bụi, khí thải tại các cơ sở công nghiệp, hoạt động giao thông, xây dựng, đề xuất tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo quy định.
Để kiểm soát chất lượng không khí, dự án đầu tư Trung tâm điều khiển tích hợp dữ liệu quan trắc môi trường và lắp đặt các trạm quan trắc môi trường tự động giai đoạn 1 của thành phố cơ bản hoàn thiện, sẽ đưa vào sử dụng đầu năm 2024. Theo đó, có 6 trạm quan trắc môi trường không khí tự động được lắp đặt tại ngã 3 Đình Vũ, Khu công nghiệp DEEP C, thị trấn Minh Đức, làng nghề Mỹ Đồng, phường Quán Toan và trung tâm thành phố. Mặt khác Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm soát đối với các dự án, nhà máy có nguồn thải lớn như: Nhiệt điện than, thép, hóa chất và phân bón hóa học, chế biến và khai thác khoáng sản, xi măng, tái chế phế liệu, xử lý chất thải. Tuy nhiên, việc kiểm soát bụi phát tán từ hoạt động xây dựng, giao thông chưa thực sự bảo đảm yêu cầu, dẫn tới sự gia tăng hàm lượng bụi lơ lửng. Do đó, để bảo vệ môi trường không khí, các ngành, đơn vị chức năng liên quan cần phối hợp với chính quyền địa phương có biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn nguồn phát tán bụi từ công trình xây dựng và hoạt động giao thông.
Bài: Nguyên Mai