Hội nghị Giao ban công tác tài nguyên và môi trường toàn quốc
23/12/2022 08:37:00
Chiều 22/12, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức Hội nghị giao ban công tác tài nguyên môi trường toàn quốc năm 2022 và triển khai công tác 2023. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cùng các Thứ trưởng: Nguyễn Thị Phương Hoa; Võ Tuấn Nhân; Trần Quý Kiên; Lê Công Thành chủ trì Hội nghị.

Hội nghị có tham dự của Giám đốc, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường 63 tỉnh thành cùng lãnh đạo đơn vị chủ chốt Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thông tin, năm 2023 có ý nghĩa hết sức quan trọng, là năm bản lề quan trọng trong chặng đường thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025. Đây là năm sẽ rà soát kế hoạch, chương trình của ngành, tập trung hoàn thiện thể chế và cũng là thời điểm ngành TN&MT thực hiện phương châm chủ động toàn diện trong xây dựng chính sách, trong tổ chức thực hiện, trong hội nhập quốc tế, tận dụng các thời cơ từ các xu thế thời đại, trong phòng ngừa các nguy cơ để tạo sự chuyển biến toàn diện, mạnh mẽ, đóng góp cho phát triển.

Chính vì vậy, nhân dịp tổng kết năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, lãnh đạo Bộ tổ chức buổi gặp mặt, lắng nghe ý kiến của các đồng chí từ địa phương cơ sở để cùng thảo luận về các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của năm 2023.

small_bt-tranhongha1.jpg

Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị giao ban công tác tài nguyên môi trường toàn quốc năm 2022 và triển khai công tác 2023.

Tại Hội nghị, qua các báo cáo, phát biểu, các đại biểu cùng nhau chia sẻ về những khó khăn trong thời gian vừa qua, đặc biệt là thời điểm xảy ra dịch covid-19. Tuy nhiên, ngành tài nguyên và môi trường cũng đã chủ động triển khai công tác quy hoạch, đề xuất các cơ chế đặc thù để có những đóng góp làm nên những những chuyển biến, đóng góp cho phát triển đất nước và từng địa phương bằng những chỉ số hết sức cụ thể.

Trong đó, phát huy các nguồn lực tài nguyên, môi trường với mức đóng góp trên từ gần 25% thu nhân sách nội địa, trong đó riêng thu từ đất đai đã chiếm 20% ngân sách, có những địa phương chiếm 30-40%.

Cả nước đã hoàn thành xử lý triệt để 372/435 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; 91% số KCN đang hoạt động có công trình xử lý nước thải tập trung đi vào hoạt động đạt tiêu chuẩn môi trường. Số vụ việc vi phạm pháp luật về môi trường gây ô nhiễm môi trường giảm 65,38% so với năm 2021. Tỷ lệ người dân quan ngại về môi trường giảm mạnh (từ 12,53% năm 2016 xuống 4,03% năm 2021 xuống còn 1,55% năm 2022), các ngành công nghiệp tái chế phát triển đạt mức tăng 11,3% so với năm 2021.

lanh-dao-bo.jpg

Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu tham luận tại Hội nghị

Chỉ số hài lòng của người dân doanh nghiệp đối với thủ tục đất đai và môi trường đạt 88,46%, tỷ lệ doanh nghiệp phản ánh phải trả chi phí không chính thức khi thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai tiếp tục giảm 2,6%. Trung bình hàng năm cắt giảm hàng nghìn tỷ đồng chi phí thực hiện thủ tục cho người dân, doanh nghiệp.

Chuyển đổi số tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh, đến nay, đã hoàn thành triển khai kết nối, chia sẻ Cơ sở dữ liệu đất đai với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ở 56/63 tỉnh/thành phố với dữ liệu của 309/705 đơn vị cấp huyện, 4.267/10.599 đơn vị cấp xã. Có 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện liên thông thủ tục đất đai với các tổ chức tín dụng trong thanh toán nghĩa vụ tài chính.

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng nghe lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường tham luận về các nội dung chính, quan trọng của Luật đất đai (sửa đổi); công tác triển khai Luật Bảo vệ môi trường 2020; kế hoạch chuyển đổi số ngành tài nguyên và môi trường; công tác thanh kiểm tra, xây dựng chính sách pháp luật trong năm 2023 đồng thời xin ý kiến đóng góp, bổ sung.

lanh-dao-so.jpg

Lãnh đạo các Sở TN&MT địa phương phát biểu đóng góp ý kiến tại Hội nghị

Hội nghị cũng nghe lãnh đạo các Sở TN&MT trao đổi về những khó khăn từ địa phương khi triển khai các chính sách. Trong đó, lãnh đạo Sở TN&MT địa phương cho rằng, hiện nay khối lượng công việc triển khai của ngành tài nguyên và môi trường thì rất lớn, đặc biệt là khi ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai chính phủ điện tử thì lượng hồ sơ của người dân, doanh nghiệp cần thực hiện là rất lớn trong khi biên chế nhân lực lại hạn chế, kinh phí hạn hẹp. Bên cạnh đó các địa phương cho rằng, với những địa phương có biển thì sẽ thành lập các đơn vị quản lý trong lĩnh vực này, tuy nhiên về tổ chức bộ máy các đơn vị trực thuộc Bộ ở các địa phương nên thống nhất để khi triển khai chính sách được thuận lợi.

Ngoài ra về triển khai chính sách tại địa phương, lãnh đạo các sở TN&MT cũng nêu lên những vướng mắc trong lĩnh vực đất đai, môi trường, khoáng sản, biến đổi khí hậu, biển đảo… để các đơn vị và lãnh đạo Bộ cùng tháo gỡ. Lãnh đạo sở TN&MT cũng đề nghị Lãnh đạo Bộ phối hợp với các Bộ, ngành khác để tháo gỡ những vấn đề đang vướng mắc như liên thông thuế điện tử, đất nông lâm trường, xây dựng, quy hoạch…

small_bt-tranhongha.jpg

Bộ trưởng Trần Hồng Hà kết luận tại Hội nghị

Ghi nhận những ý kiến tại Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị cần triển khai nhiều hơn nữa các hội nghị giao ban công tác theo quý, tháng để tăng cường phối hợp, tháo gỡ khó khăn. Đối với các vấn đề lớn, cấp bách Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo Sở TN&MT địa phương có thể liên hệ trực tiếp về Lãnh đạo Bộ, Bộ trưởng chỉ đạo giải quyết.

Đặc biệt, với 04 nhóm vấn đề đã được các lãnh đạo đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường tham luận tại hội nghị, Bộ trưởng mong muốn lãnh đạo các Sở TN&MT địa phương với trí tuệ, tâm huyết tiếp tục tham gia đóng góp ý kiến cho Bộ về các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp, sáng kiến, cơ chế phối hợp, hợp tác ngành tài nguyên và môi trường sẽ xây dựng kế hoạch hành động và tổ chức triển khai.

toan-canh.jpg

Toàn cảnh Hội nghị

“Tôi mong muốn rằng với sự đồng tâm, hiệp lực, gắn kết từ Trung ương tới cơ sở chúng ta sẽ đạt nhiều thành tựu đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và từng địa phương.” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà mong muốn.

Nguồn: Báo Tài nguyên và Môi trường 

Liên kết