Khởi sắc công tác bảo vệ môi trường
10/02/2023 08:37:00
(TN&MT) - Thông qua Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường (PEPI) mà Bộ TN&MT vừa công bố cho thấy, công tác BVMT ở tất cả các địa phương trên cả nước đang có chuyển biến tích cực, nhận thức của người dân, doanh nghiệp về BVMT đang từng bước được nâng cao.

Nhiều chuyển biến tích cực về môi trường

Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường (PEPI) của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ môi trường và mức độ hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng thời, đánh giá hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, khuyến khích nỗ lực của các cơ quan quản lý Nhà nước và người dân trong công tác bảo vệ môi trường.
Kết quả thực hiện Bộ chỉ số PEPI năm 2021 của các địa phương cho thấy, có 10 địa phương đạt mức tốt với tổng số điểm trên 70 điểm, có 39 địa phương đạt mức khá với kết quả từ 60 đến dưới 70 điểm và có 14 tỉnh/thành phố đạt mức trung bình, đạt kết quả từ 50 đến dưới 60 điểm.

a3.jpg

Nhiều tỉnh, thành phố đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt đạt quy chuẩn môi trường

Cụ thể, các địa phương đã thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường là: Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Trà Vinh, Cần Thơ, Bình Dương, Long An, Vĩnh Long, Quảng Ninh, Bắc Giang, Nghệ An. Đây là các địa phương đã hoàn thành nhiều chỉ tiêu về bảo vệ môi trường đề ra hoặc có kết quả thực hiện cao như: Tỷ lệ nước thải sinh hoạt đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý triệt để; tỷ lệ chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt được xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường,… Đồng thời, có tỷ lệ đánh giá của người dân về chất lượng môi trường sống trên địa bàn ở mức hài lòng cao.

Kết quả đánh giá cũng chỉ ra rằng, Chỉ số PEPI 2021 của các địa phương có nhiều khởi sắc với 45 tỉnh, thành phố có kết quả Chỉ số PEPI tăng cao hơn so với năm 2020, trong đó các địa phương tăng điểm cao là Quảng Trị (tăng 24 điểm), Bắc Ninh (tăng 18,67 điểm), Bến Tre (tăng 12,8 điểm), Nghệ An (tăng 10,81 điểm), Nam Định (tăng 10,35 điểm). Điều này cho thấy các địa phương đã ngày càng nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao kết quả thực hiện công tác bảo vệ môi trường.

Cần tiếp tục thực hiện nghiêm Luật Bảo vệ môi trường

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo vệ môi trường vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Tốc độ ô nhiễm, suy thoái môi trường, suy giảm tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học mặc dù đã được kiểm soát song vẫn diễn biến phức tạp. Khối lượng chất thải rắn, chất thải nguy hại phát sinh ngày càng lớn, cơ cấu thành phần phức tạp, trong khi đó, công tác quản lý còn nhiều hạn chế.

Năm 2021, Thành phố Đà Nẵng đứng đầu trong 63 tỉnh thành cả nước về thực hiện Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường (PEPI) năm 2021 với tổng điểm 79,82 điểm. Tiếp sau đó là Bà Rịa - Vũng tàu với 78,79 điểm, xếp thứ 3 là Trà Vinh với 77,52 điểm.

Hạ tầng cho công tác bảo vệ môi trường mặc dù đã được đầu tư, song vẫn còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Tỷ lệ cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường của cả nước mới chỉ đạt 15,53%. Số lượng các trạm quan trắc không khí tự động liên tục còn thấp, dẫn đến thiếu thông tin cho việc dự báo, cảnh báo. Cả nước mới có 24 địa phương lắp đặt trạm quan trắc tự động chất lượng môi trường không khí tại các đô thị loại IV trở lên.

Nhằm nâng cao kết quả thực hiện công tác bảo vệ môi trường cho các năm tiếp theo, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức quán triệt, có giải pháp đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, cải thiện kết quả thực hiện Bộ chỉ số PEPI. Trong đó, cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về công tác bảo vệ môi trường; phát động các phong trào, hoạt động thiết thực nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường tại cơ quan, đơn vị và nơi cư trú.

Chính quyền cấp cơ sở cần coi trọng việc giải quyết vấn đề thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt; cải thiện chất lượng môi trường nước mặt tại các ao, hồ, sông, suối, kênh, rạch,…; giải quyết vấn đề thu gom, xử lý nước thải, ô nhiễm môi trường không khí tại khu vực. Thực hiện nghiêm các quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2020, đặc biệt là việc xử lý vi phạm môi trường.

Ngoài ra, khuyến khích sự tham gia của người dân vào các kế hoạch, chương trình hoạt động bảo vệ môi trường; phát huy sáng kiến, sáng tạo của người dân vì một môi trường xanh, sạch, đẹp. Giải quyết triệt để những vấn đề nóng, gây bức xúc dư luận có liên quan đến ô nhiễm môi trường ở các địa phương thông qua đường dây nóng.

Nguồn: Báo Tài nguyên và Môi trường

Hình ảnh

Liên kết