Kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí
27/03/2023 09:44:00
Thực hiện chỉ đạo của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường về việc tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí và xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải tại Công văn số 436/KSONMT-QTMT, nhiều tỉnh, thành phố đã ngay lập tức chỉ đạo thực hiện.

Kiểm soát ô nhiễm không khí từ sản xuất nông nghiệp

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Chỉ thị yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước UBND thành phố trong việc chỉ đạo, triển khai thực hiện, đảm bảo không còn hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định trên địa bàn. Các quận, huyện, thị xã cũng đã có các văn bản, kế hoạch liên quan để giảm thiểu tối đa tình trạng đốt rơm rạ, nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường không khí (MTKK)

Đồng thời khuyến khích các hợp tác xã (HTX), các cơ sở sản xuất nông nghiệp tận dụng nguồn rơm rạ sau thu hoạch lúa làm thức ăn cho gia súc, tận dụng rơm rạ để sản xuất nấm rơm giúp tăng thêm thu nhập.

Bên cạnh đó còn tận dụng rơm rạ để ủ phân hữu cơ bón cho cây trồng. Vỏ trấu cũng được đưa vào phục vụ sản xuất nông sản sạch như sản xuất trấu viên để xuất khẩu, từ đó giúp giảm thiểu ô nhiễm MTKK thay vì trước đây phải bỏ đi.

Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Hà Nội tổ chức tuyên truyền người dân đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa trong việc thu gom vận chuyển rơm rạ. Khuyến cáo việc ứng dụng các chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ sau thu hoạch thành phân bón hữu cơ phục vụ nông nghiệp, sản xuất nấm… góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí. Theo đó, nhiều HTX ở thủ đô cũng đã đầu tư mô hình thu gom rơm bằng máy cuốn rơm. Không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, việc thu gom rơm rạ bằng máy cuốn rơm còn hạn chế ô nhiễm MTKK, rơm rạ được thu gom để sử dụng trong chăn nuôi, làm nấm, che phủ đất để trồng cây, chế biến phân hữu cơ, giảm lượng rơm phơi trên đường, làm cho đường làng ngõ xóm sạch hơn.

Thành phố Hà Nội đang xây dựng cơ chế khuyến khích các hợp tác xã áp dụng mô hình sản xuất sạch, hỗ trợ kinh phí mua chế phẩm xử lý rơm rạ, mua máy cuốn ép rơm, giới thiệu mô hình hợp tác thu gom rơm rạ sau thu hoạch phù hợp với điều kiện của từng huyện, thị xã để ứng dụng, triển khai, định hướng, khuyến khích phát triển các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp tận dụng rơm rạ trong sản xuất, góp phần quan trọng giảm thiểu ô nhiễm MTKK.

Hội Liên hiệp phụ nữ Tp.Hà Nội triển khai mô hình xử lý rơm rạ sau thu hoạch thay vì đốt như trước đây

Xử lý triệt để điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải

Đó là chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Nam tại Công văn 1582 (ban hành ngày 20/3) yêu cầu tăng cường kiểm soát ô nhiễm MTKK và xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải trên địa bàn tỉnh.

Quảng Nam yêu cầu Sở TN&MT công bố kết quả quan trắc chất lượng MTKK trên Cổng thông tin điện tử của sở, Cổng thông tin điện tử tỉnh và các phương tiện truyền thông.

Trong trường hợp xảy ra ô nhiễm MTKK, chủ động phối hợp các sở, ban ngành, địa phương liên quan kịp thời cảnh báo cho cộng đồng, nhân dân biết, phòng tránh, thực hiện biện pháp khắc phục, giảm thiểu.

Kiểm tra, giám sát, yêu cầu cơ sở sản xuất công nghiệp thực hiện các biện pháp kiểm soát, đảm bảo xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường, đặc biệt là các cơ sở có phát sinh nguồn bụi, khí thải lớn. Đôn đốc, giám sát cơ sở thuộc đối tượng phải lắp đặt quan trắc khí thải tự động và truyền dữ liệu về Sở TN&MT theo quy định.

Tổng hợp danh sách các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát sinh bụi, khí thải thuộc đối tượng phải thực hiện quan trắc khí thải tự động, liên tục theo quy định tại Nghị định số 08 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Các Sở: Thông tin & truyền thông, Giao thông vận tải, Công Thương, Ban Quản lý các Khu kinh tế và Công nghiệp tỉnh, Công an tỉnh, Báo Quảng Nam và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh căn cứ chức năng nhiệm vụ kiểm tra, đôn đốc, tuyên truyền thực hiện các biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu phát tái bụi, khí thải ra môi trường xung quanh.

Các địa phương trong tỉnh tăng cường tuyên truyền, vận động người dân không đốt chất thải rắn, rơm rạ sau thu hoạch để giảm phát sinh khí thải, bụi, gây ô nhiễm MTKK; tận thu, tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp cho mục đính khác. Kịp thời kiểm tra thực tế, xác định và ngăn chặn các hoạt động đốt lộ thiên.

Xây dựng trạm quan trắc tự động liên tục

Thực hiện các biện pháp kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm và hạn chế các tác động tiêu cực của ô nhiễm MTKK, UBND tỉnh Bến Tre giao Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện, đảm bảo tiến độ dự án “Tăng cường kiểm soát ô nhiễm MTKK, quan trắc tự động, quản lý hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên”, năm 2025 hoàn thành đầu tư xây dựng, vận hành trạm quan trắc tự động liên tục MTKK xung quanh, phục vụ thông tin chất lượng MTKK hàng ngày (chỉ số VN_AQI) đến người dân biết tình trạng chất lượng không khí và mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Theo đánh giá hiện trạng MTKK tại tỉnh của nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu, dịch vụ công nghệ và môi trường (TP. Hồ Chí Minh), đa số cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh Bến Tre đều phát sinh khí thải, hơi và mùi. Trong đó chủ yếu từ hoạt động chăn nuôi, bụi phát sinh từ công đoạn lột vỏ dừa, se vỏ dừa thành chỉ xơ dừa, ủ thạch thô để lên men, hoạt động đốt rác y tế, lò đốt than thiêu kết, hoạt động phơi cá khô… Hiện có 62,92% cơ sở có thực hiện biện pháp xử lý khí thải, còn lại chưa có biện pháp xử lý và xả trực tiếp ra môi trường.

Vừa qua, các tỉnh như: Hòa Bình, Lạng Sơn… cũng đã có công ăn chỉ đạo các địa phương tăng cường triển khai thực hiện các biện pháp kiểm soát ô nhiễm MTKK.

Nguồn: Monre.gov.vn

Liên kết