Cổng thông tin quan trắc môi trường

Cục môi trường Trung tâm quan trắc môi trường miền bắc
Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan nêu 3 cách tiếp cận mới trong quản lý, bảo vệ môi trường
22/04/2025 15:00:00
Phát biểu tại cuộc làm việc chiều 21/4, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan nêu đề xuất 3 cách tiếp cận mới trong quản lý môi trường để phù hợp với xu thế trên thế giới gồm: dự báo chủ động, dữ liệu cộng đồng, phòng ngừa bằng trí tuệ nhân tạo.

Chiều 21/4, tại Hà Nội, Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội đã có cuộc làm việc với Bộ Nông nghiệp và Môi trường về công tác bảo vệ môi trường nói chung và hoạt động quan trắc môi trường nói riêng; đồng thời Đoàn đã có buổi tham quan thực tế tại Trung tâm quan trắc môi trường miền Bắc, đơn vị tích hợp và quản lý dữ liệu quan trắc môi trường quốc gia.

Toàn cảnh cuộc làm việc của Đoàn giám sát với Bộ Nông nghiệp và Môi trường

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan làm Trưởng Đoàn giám sát chủ trì cuộc làm việc. Tham dự cuộc làm việc có Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tạ Đình Thi và các thành viên Đoàn giám sát; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy.

Cuộc làm việc nằm trong khuôn khổ Chương trình giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2025 về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong đó hệ thống quan trắc môi trường được xác định là nền tảng dữ liệu phục vụ cho công tác theo dõi, đánh giá và xây dựng chính sách bảo vệ môi trường.

Ưu tiên nguồn lực cho hoạt động bảo vệ môi trường để cải thiện chất lượng môi trường sống cho Nhân dân

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Môi trường báo cáo rõ hơn về công tác bảo vệ môi trường nói chung và hoạt động quan trắc môi trường nói riêng.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy 

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, kết quả giám sát phải có sự chuyển biến trong thực tế. Đặc biệt là có giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, kiểm soát không khí và nghiên cứu phương tiện giao thông phù hợp để giảm thiểu những tác động, ảnh hưởng xấu đến môi trường, không khí.

Trong khuôn khổ cuộc làm việc, các thành viên Đoàn giám sát ghi nhận nỗ lực lớn của Bộ Nông nghiệp và Môi trường trong việc duy trì và phát triển hệ thống quan trắc môi trường quốc gia, đồng thời nhấn mạnh: Quan trắc môi trường là "xương sống" của công tác bảo vệ môi trường, là công cụ để giám sát thực hiện các quy định pháp luật, đánh giá diễn biến chất lượng môi trường, kiểm soát nguồn phát thải và kịp thời cảnh báo tới người dân. Do vậy, cần có chính sách đầu tư mang tính dài hạn, ổn định; đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quan trắc môi trường; hoàn thiện hành lang pháp lý và tăng cường tính ràng buộc trách nhiệm giữa các cấp, các ngành, đặc biệt là địa phương.

Các thành viên Đoàn giám sát và đại biểu, khách mời tham dự cuộc làm việc

Thông qua cuộc làm việc, Đoàn giám sát của Quốc hội khẳng định Đảng, Nhà nước và Quốc hội luôn kiên định chủ trương phát triển bền vững, lấy con người làm trung tâm, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh Việt Nam bước vào kỷ nguyên chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, hiện đại hóa hệ thống quản lý quốc gia thì cần tiếp tục ưu tiên nguồn lực cho hoạt động bảo vệ môi trường để cải thiện chất lượng môi trường sống cho Nhân dân.

Không chính sách nào thành công nếu thiếu sự đồng hành của nhân dân

Phát biểu chỉ đạo cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan thống nhất cao với các đại biểu rằng, việc hoàn thiện khung pháp lý là cấp thiết, nhằm đảm bảo tính đồng bộ, toàn diện trong quản lý môi trường. Đây không chỉ là cập nhật các quy định mới, mà còn cần chuyển hóa tư duy quản lý từ thụ động sang chủ động, từ phản ứng sang phòng ngừa, đó chính là tinh thần xuyên suốt.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan phát biểu chỉ đạo tại cuộc làm việc

Trước thực trạng các vấn đề về môi trường hiện nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan đưa ra 3 cách tiếp cận mới trong quản lý môi trường, đó là: Từ đo lường để báo cáo sang đo lường để dự đoán và chủ động phản ứng, sử dụng trí tuệ nhân tạo; Từ dữ liệu chuyên gia sang dữ liệu cho cộng đồng, để người dân cùng tham gia giám sát và hành động; Từ phản ứng khi có sự cố sang phòng ngừa dựa trên trí tuệ nhân tạo. Những hướng tiếp cận này thể hiện rõ quyết tâm đổi mới tư duy quản trị môi trường, không chỉ theo kịp mà còn có thể đi cùng với xu thế thế giới.

Đề cập về các giải pháp trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan cho rằng, cần phải chủ động trong việc liên thông dữ liệu liên ngành. Môi trường không thể tách rời y tế, giáo dục, nông nghiệp hay giao thông. Việc kết nối dữ liệu giữa các lĩnh vực là nền tảng để hình thành một hệ thống quản lý môi trường toàn diện, linh hoạt và có năng lực thích ứng cao.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan cũng khẳng định vai trò của cộng đồng và người dân trong bảo vệ môi trường. Không một chính sách nào có thể thành công nếu thiếu sự đồng hành của nhân dân. Vì vậy, cần đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức, cũng như tạo điều kiện để người dân tham gia sâu hơn vào giám sát và phản biện chính sách.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan và Đoàn giám sát tham quan và nghe giới thiệu hệ thống phân tích thành phần hoá học của bụi mịn PM2.5 (Black Carbon, kim loại, anion, cation)

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng thống nhất với các ý kiến cho rằng, cần thay đổi tư duy quản lý từ “kiểm tra - xử phạt” sang “hỗ trợ - đồng hành”. Trong đó, việc Nhà nước đầu tư ban đầu hoặc có cơ chế ưu đãi để doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ, tuân thủ tiêu chuẩn môi trường là một hướng đi thực tế, nhân văn và phù hợp với bối cảnh hiện nay.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan khẳng định, không thể không nhắc đến vai trò của công nghệ, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo. Đây không chỉ là công cụ mà còn là động lực để hiện đại hóa toàn bộ hệ thống quan trắc, dự báo và quản lý môi trường. Tuy nhiên, để công nghệ phát huy hiệu quả, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần tăng cường đầu tư, đặc biệt là ở cấp địa phương, nơi thường xuyên thiếu nguồn lực duy tu và bảo trì hệ thống quan trắc.

Trước đó, Đoàn giám sát đã tham quan hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại được trang bị các thiết bị tiên tiến như máy quang phổ hấp thụ nguyên tử, máy sắc ký khí, thiết bị phân tích dioxin, phân tích thành phần bụi PM2,5. Ngoài ra, Đoàn giám sát cũng tham quan khu vực trung tâm tích hợp và xử lý dữ liệu quan trắc môi trường nơi tiếp nhận thông tin từ hàng nghìn trạm quan trắc trên toàn quốc; đồng thời nghe Bộ Nông nghiệp và Môi trường trình bày báo cáo tổng quan về hệ thống quan trắc môi trường quốc gia, định hướng hiện đại hóa, số hóa toàn diện hệ thống trong thời gian tới...

Một số hình ảnh tại cuộc làm việc:

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan và Đoàn giám sát tham quan và nghe giới thiệu hệ thống giám sát các trạm quan trắc tự động, công bố chỉ số AQI và dự báo chất lượng môi trường

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan và Đoàn giám sát tham quan và nghe giới thiệu về hệ thống phân tích dioxin

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan phát biểu tại cuộc làm việc với Bộ Nông nghiệp và Môi trường

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Trần Thị Nhị Hà

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá và Xã hội Tạ Văn Hạ

Đại biểu Nguyễn Quang Huân - thành viên Đoàn giám sát

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai

Các thành viên Đoàn giám sát và đại biểu, khách mời tham dự cuộc làm việc

Bích Lan - Trọng Quỳnh

Hình ảnh

Liên kết