Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
08/03/2024 10:43:00
Ngày 07/3/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 224/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thực hiện Quyết định số 259/QĐ-TTg ngày 14/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp chặt chẽ với đơn vị tư vấn lập quy hoạch, cơ quan, đơn vị và các địa phương, chuyên gia xây dựng Quy hoạch trong đó bao gồm việc tổ chức đánh giá kết quả thực hiện các quy hoạch có liên quan. Theo đó, mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia được quy hoạch xây dựng với quan điểm: (i) Phải đáp ứng quy định của Luật Bảo vệ môi trường, phù hợp với hệ thống quy hoạch quốc gia và thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đảm bảo thực hiện quan trắc môi trường nền và môi trường tác động các khu vực có tính chất liên vùng, liên tỉnh, xuyên biên giới, góp phần đánh giá được sức chịu tải của môi trường, ưu tiên nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo môi trường quốc gia; (ii) Kế thừa nội dung quan trắc môi trường trong quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, có sự lồng ghép giữa các lĩnh vực, đồng thời tận dụng cơ sở vật chất kỹ thuật và đội ngũ quan trắc viên hiện có; (iii) Khắc phục được những bất cập trong các quy hoạch trước đây, tăng cường hơn nữa các công cụ, thiết bị quan trắc tiên tiến, hiện đại, tăng cường chuyển đổi số và tập trung nguồn lực cho hoạt động xử lý, đánh giá dữ liệu quan trắc chất lượng môi trường; (iv) Mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia được quy hoạch là một hệ thống mở, thường xuyên được điều chỉnh, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu về dữ liệu quan trắc phục vụ cho công tác đánh giá chất lượng môi trường tại các khu vực có tính chất liên vùng, liên tỉnh, xuyên biên giới; (v) Tăng cường nguồn lực cho hệ thống quy hoạch quan trắc môi trường quốc gia đáp ứng yêu cầu thực tiễn đảm bảo phục vụ hiệu quả cho công tác quản lý nhà nước về môi trường. Việc đầu tư xây dựng mới cho hệ thống quan trắc phải tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn và từng bước hướng tới mục tiêu tăng cường xã hội hóa đối với hoạt động quan trắc môi trường.

Với mục tiêu xây dựng hệ thống quan trắc môi trường quốc gia đồng bộ, tiên tiến hiện đại, giám sát được các khu vực trọng yếu có tính chất liên vùng, liên tỉnh, xuyên biên giới, khu vực tập trung nhiều nguồn thải và thực hiện quan trắc đa dạng sinh học tại các khu bảo tồn thiên nhiên, hành lang đa dạng sinh học, khu vực đa dạng sinh học cao; tăng cường tính liên kết với các hệ thống quan trắc môi trường cấp tỉnh; bảo đảm theo dõi diễn biến chất lượng môi trường; đáp ứng yêu cầu về cung cấp, công bố, công khai thông tin, dữ liệu quan trắc môi trường và nâng cao năng lực cho công tác cảnh báo, dự báo môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ngày 07/3/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 224/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. 
Theo Quy hoạch được phê duyệt nêu trên, một trong những mục tiêu cụ thể trong Giai đoạn 2021-2030 là tiếp tục đầu tư, bổ sung mới để hoàn thiện 31 trạm quan trắc môi trường không khí tự động liên tục trên cả nước, trong đó bao gồm 06 trạm quan trắc tự động, liên tục chất lượng không khí nền tại 06 vùng kinh tế - xã hội; thiết lập, hoàn thiện mạng lưới các điểm quan trắc chất lượng môi trường không khí định kỳ trên cả nước, trong đó tập trung vào các vùng phát triển kinh tế xã hội quan trọng, các khu vực tập trung nhiều nguồn thải, đảm bảo việc đánh giá tác động tới môi trường không khí tại các khu vực phát triển công nghiệp và đông dân cư; thiết lập, hoàn thiện mạng lưới quan trắc tự động, liên tục chất lượng môi trường nước sông, hồ liên tỉnh tại các vị trí đầu nguồn, xuyên biên giới và các vị trí giáp ranh giữa các tỉnh; xây dựng các mạng lưới quan trắc chất lượng nước mặt định kỳ tại dòng chính của các sông, hồ liên tỉnh có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường; thiết kế, xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về quan trắc môi trường quốc gia, tích hợp toàn bộ hệ thống dữ liệu quan trắc chất lượng môi trường trong một hệ thống chung trên cả nước, thực hiện chia sẻ dữ liệu và công bố thông tin chất lượng môi trường của toàn bộ các điểm quan trắc chất lượng môi trường; tập trung hiện đại hóa và tăng cường năng lực cho các trung tâm xử lý dữ liệu quan trắc môi trường, triển khai một số mô hình chuyển đổi số bảo đảm thông tin đồng bộ, có hệ thống và độ tin cậy cao phục vụ cho công tác cảnh báo môi trường… Về tầm nhìn đến năm 2050, một trong những mục tiêu là tăng cường đầu tư, mở rộng các trạm quan trắc chất lượng không khí và chất lượng nước tự động, liên tục, áp dụng các công nghệ quan trắc mới hướng tới thay thế dần các điểm quan trắc chất lượng không khí, nước mặt định kỳ bằng các trạm quan trắc chất lượng không khí, chất lượng nước tự động, liên tục; nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ hiện đại, các mô hình xử lý thông tin có sử dụng trí tuệ nhân tạo, triển khai toàn diện mô hình chuyển đổi số trong việc quản lý, phân tích dữ liệu quan trắc môi trường phục vụ cho hoạt động dự báo chất lượng môi trường;…

Về thành phần cơ bản mạng lưới quy hoạch, đã chỉ rõ vị trí các điểm quan trắc, hình thức quan trắc, tần suất quan trắc, thông số quan trắc, chi tiết về quy hoạch quan trắc được ban hành tại các Phụ lục kèm theo Quyết định số 224/QĐ-TTg. Trong đó:   
Về mạng lưới quan trắc chất lượng không khí, tiếp tục duy trì và mở rộng mạng lưới quan trắc chất lượng không khí xung quanh tại 216 điểm quan trắc chất lượng không khí trên cơ sở tiếp tục duy trì quan trắc theo 106 điểm đã có trong quy hoạch kỳ trước đây và mở rộng mới thêm 110 điểm quan trắc chất lượng không khí. Trong số 216 điểm được quy hoạch sẽ bao gồm 103 điểm quan trắc đang được thực hiện, 98 điểm quan trắc quy hoạch thực hiện trong giai đoạn 2021-2030 và 15 trạm quan trắc chất lượng không khí tự động, liên tục được tiếp tục xây dựng mới sau năm 2030.

Về mạng lưới quan trắc chất lượng nước mặt, tiếp tục duy trì và mở rộng mạng lưới quan trắc chất lượng nước mặt tại 499 điểm quan trắc chất lượng nước mặt trên cơ sở tiếp tục duy trì quan trắc theo 368 điểm đã có trong quy hoạch kỳ trước đây và mở rộng mới thêm 131 điểm quan trắc chất lượng nước mặt. Trong số 499 điểm quan trắc chất lượng nước mặt được quy hoạch bao gồm 260 điểm quan trắc đang được thực hiện, 216 điểm quan trắc quy hoạch thực hiện trong giai đoạn 2021-2030 và 23 trạm quan trắc chất lượng nước mặt tự động, liên tục được tiếp tục xây dựng mới sau năm 2030.

Về mạng lưới quan trắc chất lượng nước cửa sông, tiếp tục duy trì và mở rộng mạng lưới quan trắc chất lượng nước cửa sông tại 76 điểm quan trắc trên cơ sở tiếp tục duy trì quan trắc theo 32 điểm đã có trong quy hoạch kỳ trước đây và mở rộng mới thêm 44 điểm quan trắc tại các cửa sông trước khi đổ ra biển.

Về mạng lưới quan trắc chất lượng nước biển ven bờ, tiếp tục duy trì và mở rộng mạng lưới quan trắc chất lượng nước biển ven bờ tại 70 điểm quan trắc trên cơ sở tiếp tục duy trì quan trắc theo 43 điểm hiện có và mở rộng mới thêm 27 điểm quan trắc được quy hoạch thực hiện cho giai đoạn năm 2021-2030. 
Về mạng lưới quan trắc chất lượng nước biển tại các vùng biển gần bờ và xa bờ, thực hiện quan trắc nước biển tại 39 khu vực ưu tiên quan tâm.
Về mạng lưới quan trắc chất lượng đất, Chương trình quan trắc chất lượng đất quốc gia được xây dựng và thiết kế chi tiết theo các chương trình điều tra, đánh giá chất lượng môi trường đất theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường. 
Về mạng lưới quan trắc mưa axit, thiết lập lại mạng lưới quan trắc mưa axit tại 42 điểm quan trắc trên cơ sở tiếp tục duy trì quan trắc theo 11 điểm đã có trong quy hoạch kỳ trước đây và mở rộng mới thêm 31 điểm quan trắc quy hoạch thực hiện trong giai đoạn 2021-2030. Trong số 42 điểm quan trắc sẽ bao gồm 26 điểm được lồng ghép tại các trạm quan trắc khí tượng bề mặt hiện có và 16 trạm quan trắc chất lượng không khí tự động, liên tục đang được xây dựng.
Về mạng lưới quan trắc đa dạng sinh học, quan trắc đa dạng sinh học tại các khu bảo tồn thiên nhiên trên phạm vi toàn quốc, tiến tới sau năm 2030 mở rộng mạng lưới quan trắc đa dạng sinh học tại các hành lang đa dạng sinh học và khu vực đa dạng sinh học cao thuộc Danh mục Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Về mạng lưới quan trắc nước dưới đất, thực hiện quan trắc tại 88 điểm/công trình quan trắc chất lượng nước dưới đất trên cơ sở mạng lưới quan trắc theo quy hoạch điều tra cơ bản tài nguyên nước dưới đất với 60 công trình hiện có, 23 công trình quy hoạch triển khai trong giai đoạn 2021-2030 và 05 công trình triển khai vào giai đoạn sau năm 2030. 
Bên cạnh đó, căn cứ mục tiêu chương trình quan trắc, các thông số và tần suất quan trắc được khuyến khích mở rộng để tăng dày chuỗi số liệu quan trắc, đảm bảo phục vụ tốt cho công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và cảnh báo, dự báo chất lượng môi trường. 
Quy hoạch cũng chỉ ra mạng lưới đơn vị thực hiện quan trắc và định hướng phát triển là tập trung đầu tư, nâng cấp hệ thống các phòng thí nghiệm tiên tiến, hiện đại với đầy đủ năng lực và nguồn lực để triển khai thực hiện các chương trình quan trắc môi trường quốc gia.

Về giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch, bên cạnh các giải pháp về chính sách pháp luật, kiện toàn tổ chức bộ máy; tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ cho hoạt động quan trắc môi trường, tăng cường đầu tư, huy động nguồn lực tài chính,... Quy hoạch cũng đề cập đến giải pháp về hợp tác với các tổ chức nghiên cứu, các mạng lưới quan trắc quốc tế để đưa các chương trình trao đổi kinh nghiệm, thông tin, dữ liệu quan trắc theo tiêu chuẩn quốc tế về thực hiện phân tích môi trường và các nội dung liên quan đến thực hiện quy hoạch quan trắc môi trường, ví dụ mạng lưới quan trắc mưa axit Đông Á, mạng lưới không khí sạch, các chương trình quan trắc ô nhiễm xuyên biên giới (nước, không khí…);... Việc duy trì hoạt động của mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia phải cơ bản đáp ứng nhu cầu công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường theo quy hoạch từ nay đến năm 2050 và không ngừng xây dựng, hoàn thiện định mức kinh tế - kỹ thuật cho hoạt động quan trắc môi trường để lập kế hoạch hàng năm; đồng thời Quy hoạch cũng ban hành kèm theo Danh mục các chương trình, nhiệm vụ ưu tiên thực hiện Quy hoạch tại Quyết định này.

Trong phân công thực hiện quy hoạch, Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì, phối hợp với các Bộ/ngành liên quan tổ chức các chương trình quan trắc để triển khai thực hiện các nội dung Quy hoạch; tổ chức thực hiện việc xây dựng các trạm quan trắc môi trường tự động, liên tục theo quy hoạch, đảm bảo tính liên kết với các trạm quan trắc môi trường của địa phương; xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản pháp luật, quy trình, quy phạm, định mức kinh tế - kỹ thuật, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ về quan trắc, truyền nhận, xử lý, quản lý và cung cấp thông tin, dữ liệu quan trắc môi trường để áp dụng thống nhất trong cả nước; thống nhất cơ sở dữ liệu quan trắc; quản lý, tích hợp, cung cấp thông tin quan trắc môi trường; cung cấp thông tin, dữ liệu môi trường cho các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị có nhu cầu và công khai hóa các thông tin, dữ liệu phục vụ nâng cao dân trí, giáo dục, truyền thông; kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, định kỳ đánh giá, phối hợp với các cơ quan rà soát quy hoạch và báo cáo Thủ tướng Chính phủ để điều chỉnh quy hoạch khi cần thiết.
Căn cứ vào thực tiễn hoạt động quản lý, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình quan trắc môi trường tại các khu vực cần giám sát đặc biệt, các chương trình quan trắc môi trường theo chuyên đề nhằm phục vụ hiệu quả cho hoạt động quản lý môi trường./. 

Chi tiết Quyết định số 224/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại đây. /Data/files/2024/224_QD-TTg_07032024-signed.pdf

Liên kết