Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn – Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học đã có những chia sẻ rõ hơn về chủ đề của Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm nay gắn với việc triển khai các mục tiêu của Khung Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal (GBF).
Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn – Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Bộ TN&MT)
Chủ đề của Ngày Đa dạng sinh học 2024 "Hãy là một phần của Kế hoạch Đa dạng sinh học" là một lời khăng định rõ ràng về việc cần hành động ngay để ngăn chặn và đảo ngược tình trạng mất đa dạng sinh học. Bà có thể nói rõ hơn về chủ đề này không, thưa bà?
Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn: Thiên nhiên và đa dạng sinh học (ĐDSH) là nền tảng cho sự phát triển bền vững và thịnh vượng của nhân loại. Tuy nhiên, với tốc độ suy thoái của thiên nhiên toàn cầu ở mức báo động, thế giới cần thúc đẩy các hành đồng vì ĐDSH để bảo vệ cuộc sống của chính con người và các loài sinh vật khác trên Trái đất.
Với chủ đề "Hãy là một phần của Kế hoạch Đa dạng sinh học", Ngày Đa dạng sinh học 2024 một lần nữa nhấn mạnh tính cấp thiết, tầm quan trọng của mỗi quốc gia, mỗi cộng đồng, mỗi người dân trong việc thực hiện các hành động để bảo tồn đa dạng sinh học. Trong đó, chú trọng việc thúc đẩy triển khai Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh – Montreal (GBF), một khuôn khổ hành động quy mô toàn cầu, mang tính tổng thể, với cách tiếp cận toàn diện, giải quyết những vấn đề liên quan đến bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH.
Đây cũng là một thông điệp mạnh mẽ gửi tới toàn thế giới: Chỉ khi các quốc gia, các cộng đồng, người dân có nỗ lực đồng bộ, hành động quyết liệt để tạo ra sự thay đổi có tính toàn diện thì mới có thể ngăn chặn và đảo ngược được xu hướng mất đa dạng sinh học, phục hồi đa dạng sinh học, duy trì một hành tinh khỏe mạnh và mang lại lợi ích thiết yếu cho tất cả mọi người.
Chủ đề Ngày Đa dạng sinh học 2024 tập trung vào việc thực hiện Khung đa dạng sinh học Côn Minh – Montreal
Như đã đề cập ở trên, Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm nay là lời kêu gọi các quốc gia triến khai Khung GBF. Vậy việc tham gia thực hiện Khung GBF có ý nghĩa như thế nào vào thời điểm này, thưa bà?
Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn: Khung GBF đã được thông qua vào tháng 12/2022 tại COP15, hướng tới tương lai chung sống “Hài hoà với thiên nhiên”, với tầm nhìn đến năm 2050 là: ĐDSH được thừa nhận, bảo tồn, phục hồi và sử dụng khôn khéo, thúc đẩy các dịch vụ hệ sinh thái, duy trì một hành tinh khỏe mạnh và mang lại lợi ích thiết yếu cho tất cả mọi người.
Trong khuôn khổ này, GBF đã đề ra 23 mục tiêu tham vọng, tập trung vào việc giảm thiểu các mối đe dọa đến ĐDSH ở 3 cấp độ hệ sinh thái (HST), loài, nguồn gen; đáp ứng nhu cầu của con người thông qua sử dụng bền vững và chia sẻ lợi ích liên quan đến việc sử dụng các giá trị của ĐDSH.
Về tầm nhìn đến năm 2030, GBF hướng tới các mục tiêu hết sức tham vọng, bao gồm: Bảo tồn và quản lý hiệu quả ít nhất 30% diện tích đất liền, vùng nước nội địa, vùng ven biển và đại dương trên thế giới, chú trọng vào các khu vực có tầm quan trọng đặc biệt đối với ĐDSH, chức năng và dịch vụ HST, thông qua việc thành lập các khu bảo tồn và các biện pháp bảo tồn khác ngoài khu bảo tồn (mục tiêu 30x30); phục hồi hiệu quả ít nhất 30% diện tích các HST bị suy thoái, ít nhất 50% loài ngoại lai xâm lấn được diệt trừ hoặc kiểm soát tại các khu vực ưu tiên. Đây là những mục tiêu hết sức tham vọng vì đến nay, trên thế giới tỷ lệ diện tích được bảo tồn mới đạt xấp xỉ 17% (ở trên cạn) và xấp xỉ 8% (ở vùng biển). Với mục tiêu này, đòi hỏi các nước phải tiếp tục mở rộng mạng lưới các khu bảo tồn và OECM.
GBF cũng chú trọng vào các giải pháp dựa vào thiên nhiên và cách tiếp cận dựa vào hệ sinh thái trong giảm nhẹ, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm thiên tai; thừa nhận quyền, vai trò và đóng góp của người dân bản địa và cộng đồng trong bảo tồn đa dạng sinh học; đề ra mục tiêu cần tập trung giải quyết các trợ cấp có hại cho đa dạng sinh học với kinh phí tối thiểu là 500 tỷ USD/năm; thiết lập Quỹ mới cho khung đa dạng sinh học toàn cầu và đề ra mục tiêu huy động 200 tỷ USD mỗi năm cho bảo tồn đa dạng sinh học.
Bên cạnh việc thông qua GBF, COP15 đã phê chuẩn các quyết định quan trọng để thúc đẩy triển khai GBF, bao gồm tạo ra các cơ chế tài chính hỗ trợ cho các quốc gia phát triển và đang phát triển, yêu cầu các quốc gia cụ thể hoá các mục tiêu GBF trong Chiến lược và Kế hoạch hành động về đa dạng sinh học, bố trí nguồn lực thực hiện và khuyến khích các hình thức hợp tác để nâng cao hiệu quả thực hiện GBF.
Do đó, với việc tham gia Khung GBF, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội thúc đẩy hợp tác với quốc tế nhằm phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái và tăng cường mở rộng bảo tồn các khu vực có giá trị đa dạng sinh học.
Khung GBF được thông qua vào tháng 12/2022. Ảnh: cdb.int
Kể từ khi thông qua Khung GBF đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai những hoạt động gì để thúc đẩy việc thực hiện GBF, thưa bà?
Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn: Đối với Việt Nam, với tư cách là một trong những quốc gia thành viên tham gia Công ước Đa dạng sinh học (CBD) và là một thành viên ủng hộ mạnh mẽ việc thông qua Khung GBF tại COP15, Việt Nam đã và đang thể hiện cam kết và trách nhiệm với các mục tiêu về ĐDSH.
Trước khi Khung GBF được thông qua, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với phạm vi triển khai trên cả nước.
Trong giai đoạn đến năm 2030, Chiến lược đặt ra yêu cầu diện tích các khu bảo tồn trên cạn sẽ tiếp tục được tăng lên theo chỉ tiêu đề ra xấp xỉ 2% (từ khoảng 7% tới 9%), các khu bảo tồn biển được bảo tồn sẽ tăng mạnh, đạt từ 3 - 5% diện tích vùng biển tự nhiên của quốc gia. Chiến lược cũng đề ra mục tiêu phục hồi được 20% các hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái; xác định các đề án, nhiệm vụ ưu tiên cần thực hiện để đạt được mục tiêu này để có đóng góp tích cực trong việc thực hiện các mục tiêu toàn cầu về bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái.
Bộ TN&MT, với vai trò là Cơ quan đầu mối quốc gia đối với Công ước Đa dạng sinh học, đã tích cực tham gia tham mưu cho Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học và đã ban hành Quyết định 3220/QĐ-BTNMT về Kế hoạch thực hiện Quyết định số 149/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Hiện tại, Bộ đang tiếp thu, hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 (gọi tắt là Quy hoạch BTĐDSH).
Quy hoạch BTĐDSH xác định rõ 6 đối tượng quy hoạch cũng là 6 khu vực quan trọng về đa dạng sinh học (khu bảo tồn thiên nhiên, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, hành lang đa dạng sinh học, khu vực đa dạng sinh học cao, cảnh quan sinh thái quan trọng và đất ngập nước quan trọng) và không gian của các đối tượng này.
Cách tiếp cận này sẽ đóng góp vào việc thực hiện Mục tiêu số 1 của GBF là “Đảm bảo rằng tất cả các khu vực đều được quy hoạch không gian có sự tham gia, tích hợp về đa dạng sinh học và/hoặc được quản lý hiệu quả nhằm giải quyết các vấn đề về thay đổi sử dụng đất, biển…”, cũng như các mục tiêu về quản lý tổng thể, đảm bảo các chức năng của hệ sinh thái cũng như tính toàn vẹn và tính kết nối của các hệ sinh thái.
Đồng thời, Bộ TN&MT cũng đang đẩy mạnh hợp tác với các đối tác và tổ chức bảo tồn quốc tế nhằm thực hiện GBF và Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học, đặc biệt là các mục tiêu về phục hồi và bảo vệ các hệ sinh thái quan trọng trong và ngoài các khu bảo tồn thiên nhiên (bao gồm OECM), bảo tồn các loài nguy cấp, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại thông qua việc hoàn thiện hành lang pháp lý, các công cụ kinh tế, thực hiện các giải pháp dựa vào thiên nhiên, áp dụng tiếp cận hệ sinh thái và tiếp cận cảnh quan...
Xin cảm ơn bà.
Minh Hạnh.